Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030
28/11/2020 8:23:45 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
      Chiều thứ Sáu 27/11, đồng chí Hoàng Hải Minh - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế đã chủ trì buổi họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và góp ý Đề án Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Cùng dự có UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố - Trần Song và Thủ trưởng các Phòng ban có liên quan.

             Huế có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế đêm

      Thành phố Huế là một trong những thành phố có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế ban đêm với hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, các hoạt động du lịch, dịch vụ về đêm đã cơ bản được hình thành đồng bộ, môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hằng năm thu hút lượng lớn du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan nghỉ dưỡng. Việc triển khai đề án nghiên cứu “Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là: Kinh tế ban đêm (KTBĐ)) là rất cần thiết. Căn cứ lập Đề án trên Nghị quyết 54 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Kế hoạch, Quyết định của UBND tỉnh, UBND thành phố Huế.

Huế có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế đêm

 

Đề án gồm 06 phần, tập trung vào các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm diễn ra từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, trọng tâm là du lịch, dịch vụ tập trung các loại hình chủ yếu sau: Dịch vụ giải trí (các hoạt động nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật,…), dịch vụ ẩm thực, mua sắm (các chợ đêm, khu mua sắm, ẩm thực…) và du lịch (tham quan trải nghiệm các điểm du lịch, di tích văn hóa, các công trình kiến trúc, thưởng ngoạn, phố đi bộ, đường đi bộ).

Theo Quyết định số 7230 ngày 4/11/2020 của UBND thành phố Huế về phê duyệt Đề cương Đề án Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu của Đề án là: Xác định các tiêu chí để phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm; làm rõ các nguồn lực phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm của thành phố Huế trong nhu cầu hiện nay, thực tế phát triển trong thời gian qua.

 

     Đề án được triển khai thành công sẽ tạo “đột phá” toàn diện cho TP Huế

Đề án nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, phát huy các thế mạnh và nguồn lực thông qua việc khai thác hiệu quả các hoạt động du lịch - dịch vụ phục vụ du khách và người dân. Góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người dân; làm căn cứ để các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh thương mại, ẩm thực… trên địa bàn và các đơn vị cung cấp dịch vụ, du lịch cùng tham gia vào khai thác, đầu tư, phát triển. Tạo động lực thúc đẩy các yếu tố liên quan trực tiếp tới quá trình phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm của  thành phố Huế.

Song song với đó, hình thành các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm với việc khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa; các tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường. Hoàn thiện và phát triển các phố đêm, đường đi bộ, chợ đêm, ẩm thực về đêm… phục vụ cho du khách trong nước, quốc tế và người dân. Nâng cao vai trò, tỷ trọng đóng góp doanh thu, mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch từ thông qua sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm.

Theo Đề án, hoạt động kinh tế ban đêm ở TP Huế bao gồm tại các công viên hai bên bờ sông Hương, các phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Chu Văn An – Võ Thị Sáu – Pham Ngũ Lão, đặc biệt là việc lập đường đi bộ ở 04 tuyến đường quanh Đại Nội Huế. Các thiết chế đi kèm Đề án là: Hệ thống chiếu sáng công cộng trên tuyến đi bộ và phụ cận; Hệ thống giao thông trên tuyến đi bộ; Công trình dịch vụ và công cộng trên tuyến và phụ cận (Hệ thống bến thuyền, bãi đỗ xe, giao thông tĩnh); Các chợ thương mại; Khu mua sắm, khu thương mại - dịch vụ tập trung.

Các lĩnh vực trong Đề án, gồm: Hoạt động văn nghệ, nghệ thuật, lễ hội, Festival, Ca Huế, Đại Nội đêm, sông Hương đêm...; Thương mại điện tử; Nhiều sản phẩm Huế nổi tiếng, đặc sản đặc trưng, hàng lưu niệm, làng nghề, nghề truyền thống;... Tổng thể Đề án Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 gắn chặt với xây dựng hình ảnh Huế - thành phố “Xanh - Sạch - Sáng”, “Thành phố Festival của Việt Nam”, “Thành phố xanh Quốc gia”...

Bốn tuyến đường quanh Đại Nội Huế được định hướng thành khu đi bộ cho người dân và du khách, tương ứng với 'Mai - Lan - Cúc - Trúc'

Trưởng phòng kinh tế thành phố Huế - Đồng Sĩ Toàn nhấn mạnh: Việc phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm đang được coi là động lực tăng trưởng kinh tế mới nhờ tận dụng tối đa thời gian, nâng cao hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, phát huy giá trị văn hóa và đặc biệt kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.  Việc phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, du lịch ban đêm, đặc biệt là các dịch vụ chuyên biệt, giàu bản sắc văn hóa Huế sẽ tạo cơ hội cho du khách quốc tế có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và nâng cao hình ảnh Cố đô Huế trong giai đoạn tới.

 

     “Tính toán” thêm các lọai  hình, sản phẩm dịch vụ, du lịch về đêm sau khi mở rộng thành phố Huế

Đồng chí Hoàng Hải Minh - Chủ tịch UBND thành phố Huế gợi ý các sản phẩm “Ẩm thực Huế về đêm”, “Đêm Hoàng Cung”, “Bảo tàng đêm”... Đề án rất rộng lớn. Chúng ta phải xác định rõ từng mục tiêu, sản phẩm và dịch vụ “đêm” để triển khai.  Từng sản phẩm ở lĩnh vực nào thì phối hợp chặt chẽ với Sở ngành chuyên môn để thực hiện. Đề án cần cụ thể hóa các sản phẩm hơn, như “Đêm Hoàng Cung” thì cần làm gì, có thể là tái hiện nghi thức Cung đình xưa, nghệ thuật Cung đình… Đặc biệt là phải huy động được người dân đồng tình ủng hộ và cùng làm. Ngoài ra, cũng cần tính toán đến quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông, bãi đậu đỗ xe, điện nước...

Chủ tịch UBND TP Hoàng Hải Minh yêu cầu cần nghiên cứu kĩ “bài toán” về kinh phí, đầu tư như thế nào, thu được bao nhiêu trong thời gian bao lâu

Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố - Trần Song cho rằng, cần sắp xếp lại một số vấn đề trong Đề án Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Như cần tính toán lại các nội dung, tầm nhìn của Đề án cho phù hợp với thành phố Huế sau khi mở rộng. Như cần phải đưa thêm vào dịch vụ - sản phẩm du lịch biển, núi vào ban đêm…  Xác định rõ nguồn lực ở đâu, Nhà nước bao nhiêu, doanh nghiệp và người dân bao nhiêu…

Theo Trưởng Phòng văn hóa – thông tin thành phố Huế Phạm Thị Quỳnh Dao, Đề án phải cụ thể hơn nữa, cần xác định được đâu là Không gian chính, sản phẩm chính trong toàn Đề án. Về hoạt động văn hoá nghệ thuật ban đêm nên hướng tới phương án “xã hội hóa”.

Đại diện Phòng tài chính - kế hoạch thành phố Huế cho rằng, ngoài những sản phẩm cơ bản trong Đề án như nghề truyền thống, ẩm thực... thì các loại hình giải trí khác như Karaoke, quán Bar cũng rất thu hút du khách. Ngoài ra, phải hình thành được bản đồ, vị trí đáp ứng nhu cầu của du khách và người dân.

Kết luận buổi họp, Chủ tịch UBND thành phố Huế Hoàng Hải Minh yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền cho cả hệ thống chính trị, nhất là người dân để cùng thực hiện hiệu quả Đề án kinh tế đêm ở Huế. Cùng chung tay để làm bằng được các mục tiêu chứ không dừng lại ở mức “ý tưởng”, “trên giấy tờ”… Cần tạo được sản phẩm đặc trưng để khi nhắc đến Huế thì du khách nghĩ ngay tới được sản phẩm đó. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Bên cạnh đó, có thể “nới lỏng” hoạt động của các dịch vụ kinh doanh có điều kiện ở một số khu vực đặc biệt về đêm nhưng vẫn nằm trong sự quản lý của chính quyền. Đề án cũng cần xem lại mục tiêu tăng trưởng cho phù hợp thực tế, gắn chặt với chỉnh trang đô thị Huế. Đề ra sản phẩm tổng thể rồi cụ thể hóa. “ Như sông Hương ban đêm thì tính tới các phương án như thưởng ngoạn, ẩm thực trên thuyền trên sông Hương như thế nào...”. Khi triển khai được đề án rồi sẽ kết hợp lấy quảng cáo để có kinh phí để chỉnh trang hạ tầng. Cần tính toán đến việc thuế, cho thuê đất… Đặc biệt, cần thí điểm một số dự án trong toàn Đề án để có sự đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai các công đoạn tiếp theo.

 Đề án Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 cần phân kì giai đoạn để làm rõ từng công việc với những định hướng cụ thể, sát với thực tế.  “Điều quan trọng là tăng được bao nhiêu nguồn thu ngân sách trong cơ cấu dịch vụ cho thành phố. Chú trọng quảng bá về các sản phẩm kinh tế đêm. Chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư cho Đề án… Cần nghiên cứu kĩ “bài toán” về kinh phí, đầu tư như thế nào, thu được bao nhiêu trong thời gian bao lâu. Mục tiêu chính của Đề án là kích thích tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch, khơi dậy các tiềm năng của Huế, giúp Huế phát triển toàn diện, đó không chỉ là thành phố yên bình với những nét văn hóa rất riêng, di sản mà còn là thành phố năng động, phát triển bền vững gắn chặt với lợi ích lâu dài của nhân dân trên địa bàn” - Chủ tịch UBND thành phố Huế Hoàng Hải Minh nhấn mạnh.

Thái Hùng (Văn phòng HĐND&UBND thành phố Huế)
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>