1. Vị trí con đường
Đường Lê Duẫn nằm trên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn hai phường Phú Hòa và Phú Thuận, từ phía Nam sang phía Tây Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Trần Hưng Đạo (điểm tiếp giáp Bắc cầu Phú Xuân), qua quảng trường Phu Văn Lâu, qua vòng xuyến cầu Bạch Hổ, ngã ba Cửa Hữu, cửa Chánh Tây đến đường Lý Thái Tổ (giáp cầu An Hòa), dài 4530m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này được hình thành vào đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế. Từ năm 1920 trở về trước, đoạn từ Cửa Ngăn đến cầu Bạch Hổ là đường Khổng Tử. Trước năm 1945, là đường Paul Bert nối dài (Rue Paul Bert); trước 1960 là đường Phu Văn Lâu, trước 1976 là đường Trịnh Minh Thế, trước 1986 là đường Trần Hưng Đạo nối dài. Đoạn từ vòng xuyến cầu Bạch Hổ đến cầu An Hòa trước 1945 là đường Thiên lý số 01 dân gian gọi là đường cái quan, từ năm 1956 đến năm 1986 là đường Thống Nhất. Năm 1987, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định gộp hai đoạn làm một đặt tên mới là đường Lê Duẩn. Đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Bạch Hổ, người cao niên ở Huế vẫn quen gọi là đường Phượng Bay. Nhà thơ Anh Phan, năm nay quá tuổi thập cổ lai hy đã minh chứng cho điều này từ năm 1966, qua bài thơ "Con đường Phượng Bay", có đoạn như sau: "Con đường Phượng Bay nằm dọc bờ Bắc sông Hương, Từ cầu Trường Tiền lên cầu Bạch Hổ. Đi trên con đường Phượng Bay nắng hoa vàng rải lỗ chỗ".
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Lê Duẫn (Đinh Mùi 1907 - Bính Dần 1986) Nhà chính trị, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, tên khai sinh là Lê Văn Nhuận (người Quảng Trị thường phát âm Nhuận ra Duận hoặc Duẫn), theo tộc phả họ Lê, tên của ông được chọn đặt theo chữ của sách Đại Học (trong bộ Tứ thư): "Phú nhuận ốc, đức nhuận thân" nghĩa là giàu của thì cửa nhà khang trang, có đạo đức thì thân con người ta ung dung thanh thản. Cho nên, người xưa thường dùng ba chữ "Song nhuận đường" để làm bức hoành tặng mừng tân gia là ý vậy. Ông quê gốc làng Bích La Đông, lên ở làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân trong một gia đình nông nghiệp. Tuổi còn nhỏ, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, năm 1928, ông gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1931 là ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, trong một lần đi công tác ông bị giặc Pháp bắt tại Hải Phòng, chúng xử ông chịu án 20 năm tù, giam ông qua các nhà lao Hà Nội, Sơn La rồi đày đi Côn Đảo. Năm 1936, nhờ đấu tranh ông được ra tù trở lại hoạt động, được bầu làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1939, ông được bầu vào Thường vụ Trung ương Đảng. Năm 1940, do hoạt động bị lộ ông lại bị Pháp bắt xử 10 năm tù, đưa đi Côn Đảo lần hai. Sau Cách mạng tháng Tám, ông ra tù hoạt động ở Nam Bộ, được bầu làm Bí thư Xứ ủy rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Năm 1957, ông ra Hà Nội công tác và làm việc bên cạnh Hồ Chủ tịch. Năm 1960, tại Đại hội Đảng Lao động lần thứ III, ông được bầu làm Bí Thư thứ nhất đến 1976. Từ 1976 đến khi mất 18/7/1986, ông là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Do công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ông được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân, Huy chương cao quí, Nhà nước Liên Xô tặng ông Giải thưởng LêNin, và nhiều Huân chương Hữu nghị. Ngoài nhà chính trị, ông còn là một nhà văn, ông đã để lại một số tác phẩm chính luận như: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, Thư vào Nam. Quảng trường Phu Văn Lâu, Điện Hòa Nam, Công ty Công viên cây xanh, Đình cổ làng Phú Thạnh, UBND phường Phú Thuận, Trường Tiểu học Phú Thuận 2, Chùa Phú Thạnh, Chùa Từ Nghiêm nằm trên đường này.