Điện Biên Phủ
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

1. Vị trí con đường

Đường Điện Biên Phủ nằm trên địa bàn ba phường Vĩnh Ninh, Trường An, Phường Đúc, về phía Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Lê Lợi (cạnh Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế), ngược cầu Nam Giao, qua cạnh chùa Từ Đàm đến thẳng trước mặt Đàn Nam Giao, dài 2221m. Đường này dành cho xe thô sơ, mô tô lưu thông hai chiều, xe ô tô và các phương tiện khác chỉ được đi theo một chiều từ đường Lê Lợi lên Nam Giao.

2. Lịch sử con đường

Đường được hình thành vào cuối thế kỷ 19 (năm 1898), nguyên trước nền rải bằng đất biên hòa. Khi mở đường này, vua Thành Thái cho giải tỏa, di dời một số ngôi tháp tổ của các vị cao tăng đưa vào khuôn viên chùa Báo Quốc. Lúc đầu đường có tên Nam Giao Tân Lộ, người Pháp thì gọi là Đại lộ Nam Giao (Avenue Nam Giao), có khi cũng gọi Đường song hành phía Tây để phân biệt với Đường song hành phía Đông (đường Phan Bội Châu ngày nay). Sau 1956 đường mang tên Lam Sơn. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đổi, đặt lại tên mới là đường Điện Biên Phủ. Dân gian quen gọi là đường Nam Giao.

3. Địa danh lịch sử gắn liền với con đường

Điện Biên Phủ Điện Biên Phủ nguyên là tên một đơn vị hành chính cấp phủ (trên cấp huyện, dưới cấp tỉnh) và cũng là tên một địa danh được thành lập từ năm 1841, thuộc tỉnh Hưng Hóa (nay vừa là thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, thuộc tỉnh Điện Biên). Đây là nơi thực dân Pháp chọn đặt sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương - đồng thời nơi đây cũng chính là bãi chiến trường chôn vùi sức mạnh chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, tiêu diệt và bắt làm tù binh 16.000 quân Pháp và tay sai, bắt sống viên tướng chỉ huy De Castries làm chấn động địa cầu, viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng trong chiến tranh giữ nước vĩ đại, đưa dân tộc ta lên một tầm cao mới trên trường quốc tế. Ngày 10/10/2003, Chính phủ đã quyết định nâng cấp thị xã Điện Biên, tỉnh Lai Châu lên cấp thành phố. Ngày 25/11/2003, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI đã biểu quyết thông qua việc chia tỉnh Lai Châu cũ, thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu mới, ngày 01/01/2004 cả hai tỉnh chính thức đi vào hoạt động. Ngày 7/5/2004, tại thành phố Điện Biên, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ... Khách sạn Nam Giao, Khách sạn Điện Biên, Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ Thừa Thiên Huế, Chùa Thiên Minh, Chùa Từ Đàm, Chùa Thuyền Lâm, Vạn Phước, Hương Sơn, Kim Tiên, Từ Vân, Diệu Đức, Lam Sơn, Trường kỹ thuật nghiệp vụ Giao thông vận tải, Trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, nằm hai bên đường này.

Các bài khác