Hội Người mù thành phố Huế - “Mái ấm” vững chắc cho Người mù
04/07/2024 6:00:05 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Những năm qua, Hội người mù (HNM) thành phố đã triển khai nhiều hoạt động trong công tác tạo việc làm và chăm lo hiệu quả đời sống cho hội viên (h/v).
   Hội người mù thành phố Huế đã từng bước tạo công việc có thu nhập ổn định cho người lao động; ngoài tạo công ăn việc làm cho người khiếm thị
 
   Ngày 14/11/1992, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) ra quyết định số 120 về việc cho vay vốn tạo việc làm theo các dự án nhỏ, trong đó có kênh riêng đối với Hội người mù Việt Nam, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Trung ương Hội để kịp thời tạo điều kiện cho người mù được vay vốn tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ năm 1994, Hội người mù Thành phố được Tỉnh Hội phân bổ nguồn vốn 150 triệu đồng để tổ chức cho người mù vay vốn; tính từ thời điểm triển khai đến nay, Hội đã tổ chức thực hiện 57 dự án cho 771 lượt người vay với tổng số vốn cho vay quay vòng là 476 triệu đồng; kết quả của 30 năm triển khai chương trình vay vốn đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Hội giảm còn: 49/275 hội viên, tỷ lệ 17,8%; cận nghèo: 08/275 hv, tỷ lệ 2,9%. Các dự án vay vốn đã đáp ứng nguyện vọng cho nhiều người mù nghèo khó khăn, khích lệ hội viên tham gia sản xuất, chăn nuôi làm kinh tế gia đình, tạo việc làm có thu nhập để cải thiện nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo trên từng địa phương, đồng thời thay đổi nhận thức của hội viên, sống vui vẻ, lạc quan yêu đời, tin tưởng vào chính sách và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội.
   Hiện, HNM Thành phố có 275 h/v; 28 chi hội trực thuộc; tính riêng trong năm 2023, Thành hội đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội người mù Thành phố Huế lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023 - 2028”; Hội nghị Tổng kết 15 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, Chủ động vươn lên, Bình đẳng hòa nhập cộng đồng” giai đoạn 2007 - 2022 và Chương trình hành động “Việc làm - Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2008 – 2023; Hội nghị Tổng kết 25 năm công tác phụ nữ và trẻ em (1998 – 2023)...; Bên cạnh đó, Ban chấp hành (BCH) Thành hội cũng tham dự các Hội nghị quán triệt công tác vay vốn việc làm; luật việc làm; công tác chuyển đổi số; tham gia học tập; quán triệt Nghị quyết của Đảng…do Tỉnh hội tổ chức; Về công tác sản xuất chăm lo đời sống h/v; Hợp tác xã (HTX) trực thuộc HNM Thành phố đã và đang tạo việc làm cho 14 lao động, có thu nhập ổn định từ 1 đến 5 triệu đồng/tháng; duy trì 5 kỹ thuật viên xoa bóp; tổng doanh thu năm 2023 ước đạt hơn 1,1 tỷ đồng; thu nhập bình quân của các thành viên HTX Nhân đạo Thành hội là 03 triệu đồng/ tháng; trong năm, Thành hội quản lý 04 dự án từ kênh TW với tổng số tiền 476 triệu đồng cho 24 hộ vay; thu hồi 02 dự án và lập hồ sơ vay lại cho 8 hộ với số tiền 195 triệu đồng; h/v vay vốn sử dụng đúng mục đích, làm ăn hiệu quả đạt 100% hoàn trả vốn vay cả gốc và lãi; ngoài ra, Công tác chăm sóc, hỗ trợ h/v luôn được Thành hội quan tâm với 2161 lượt thăm hỏi, tặng quà cho h/v nhân dịp lễ, tết, thiên tai với tổng trị giá các suất hơn 617 triệu đồng; các phong trào văn hóa, văn nghệ, hoạt động dã ngoại luôn được Thành hội tổ chức thường xuyên thu hút nhiều h/v tham gia sôi nổi, nhiệt tình…
  Trong 15 năm qua, các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) trực thuộc Thành hội đã duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả như dịch vụ xoa bóp phục hồi sức khỏe, sản xuất tăm tre, chổi đót; tạo việc làm cho hơn 22 lao động hằng năm; với tổng doanh thu 15 năm hơn 7,8 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động từ 02 đến 05 triệu đồng mỗi tháng; Ban chấp hành (BCH) Thành hội cũng thiết lập 37 dự án cho hội viên vay vốn với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng, đạt 100% tỷ lệ hoàn vốn cho Ngân hàng Nhà nước; Thành hội còn phối hợp Trung tâm dạy nghề tỉnh, Hiệp hội sản xuất kinh doanh của người tàn tật Việt Nam hỗ trợ mở 02 lớp đào tạo nghề với 29 học viên, tổng kinh phí hơn 55 triệu đồng; phối hợp cùng Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thành phố tổ chức 03 lớp xóa mù chữ Braille cho 38 hội viên, đến nay đa số hội viên đều biết đọc, biết viết, trình độ văn hóa nâng cao...
   Ngoài ra, Thành hội còn phối hợp với Câu lạc bộ Vòng tay Nhân ái cho vay nguồn vốn trợ nghèo không lãi với số tiền 32 triệu đồng (trong năm 2023); nhiều h/v vươn lên thoát nghèo nhờ được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh như h/v Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Văn Ngữ, Trịnh Minh Hoài Nhân, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Hòa...; 100% h/v tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT). Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, Thành Hội cũng đã đón nhận 02 Bằng khen từ Trung ương Hội Người mù Việt Nam; Tập thể HTX Nhân đạo trực thuộc Thành Hội đã đón nhận Giấy khen vì đã thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình Việc làm - Giảm nghèo bền vững tại Hội người mù tỉnh theo Quyết định 1289 ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế...
   Nhờ thực hiện hiệu quả chương trình “Vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm” đã xuất hiện nhiều mô hình h/v người mù sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình; như: mô hình vườn thanh trà của h/v Nguyễn Hòa ở phường Hương Hồ; cơ sở chăm sóc phục hồi sức khỏe của h/v Nguyễn Tiến Đạt ở phường Vỹ Dạ; cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ của h/v Nguyễn Văn Ngữ ở xã Hương Phong…
Theo ông Phan Văn Quốc - Chủ tịch Hội người mù Thành phố Huế: Đó chỉ là 03 trong hàng trăm gia đình người mù đã có công việc ổn định, có thu nhập và tự lập được bản thân không phải trông chờ vào người khác, dựa dẫm vào xã hội. Tuy tàn tật nhưng do nỗ lực và được sự hỗ trợ kịp thời của tổ chức hội cũng như các tổ chức xã hội, ngân hàng chính sách nên cuộc sống của người mù ngày càng ổn định hơn.
   Ông Nguyễn Văn Ngữ - h/v chi hội người mù xã Hương Phong cho biết: Được sự tư vấn, hỗ trợ vay vốn của Hội người mù các cấp, Ngân hàng Chính sách xã hội; tôi đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi ngành nghề, trước đây chăn nuôi gia súc, nay chuyển sang sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp cho thị trường cây cảnh. Theo ông Ngữ thì nghề chăn nuôi là nghề vất vả đối với người khiếm thị, lại dễ “mất lòng” hàng xóm vì trâu bò hay ăn cây trồng của người khác; chưa kể mắt mũi lờ mờ lại phải chăn dắt rồi lo thức ăn dự phòng vào mùa mưa gió.... Hay như trường hợp của anh Nguyễn Tiến Đạt ở phường Vỹ Dạ; sau một quá trình học tập, tham gia làm kỹ thuật viên tại các cơ sở đào tạo nghề xoa bóp do Thành hội tổ chức, giờ đây anh đã là chủ một cơ sở Chăm sóc, phục hồi sức khỏe uy tín, thu hút một lượng khách đến thư giãn, bấm huyệt sau những ngày giờ làm việc, lao động mệt nhọc.
 
   Chủ tịch Hội người mù Thành phố Huế chia sẻ: Từ những nghề như làm tăm tre, nghề làm nhang, chổi đót....và sau này là dịch vụ chăm sóc, phục hồi sức khỏe, xoa bóp, bấm huyệt cho khách hàng đã thu hút được một lượng lao động lớn trong tổ chức hội; Hội người mù thành phố đang từng bước tạo công việc có thu nhập ổn định cho người lao động; ngoài tạo công ăn việc làm cho người khiếm thị, Ban chấp hành hội còn nỗ lực để làm sao tạo ra được “mái nhà chung” cho những người mù có cơ hội gặp gỡ, trao đổi để cùng nhau tìm hiểu về công việc cũng như là giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, họ vừa làm việc và trao đổi về những chế độ chính sách như thế nào, rồi cách  nuôi gà, nuôi heo làm sao cho hiệu quả, việc trồng cây phải tiến hành các bước ra sao....Đó là hiệu quả lớn nhất mà “mái nhà chung” của người mù mong muốn đạt được./.
Văn Cương (Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Huế)
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>