Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh Đậu mùa khỉ (mpox) đang có xu hướng gia tăng cao bất thường tại một số nước, đặc biệt là tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô. Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với dịch bệnh bệnh Đậu mùa khỉ vào ngày 14/8/2024.
Để chủ động phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ, ngày 17/9/2024, UBND thành phố Huế ban hành Công văn số 8882/UBND-YT về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Trung tâm Y tế thành phố Huế phối hợp với các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã tập trung rà soát, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị và phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân; Phân tích, đánh giá, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh Đậu mùa khỉ tại các địa phương để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh, tác nhân gây bệnh mới, bất thường (nếu có); Chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến của dịch, báo cáo và tham mưu UBND Thành phố tổ chức họp định kỳ, họp đột xuất (khi cần thiết) để có chỉ đạo kịp thời tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố; Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ; giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS; Thực hiện nghiêm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế; Xây dựng kế hoạch thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân và duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện theo chỉ đạo cấp trên khi có dịch. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ. Đồng thời, báo cáo UBND thành phố, Sở Y tế khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, ca mắc bệnh Đậu mùa khỉ, tham mưu các biện pháp triển khai chỉ đạo, hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.
Đối với UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Chủ động bố trí, huy động các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ và xây dựng các phương án phối hợp khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương; Củng cố Tổ phòng, chống dịch địa phương, lực lượng cộng tác viên y tế - dân số nhằm hỗ trợ cơ quan y tế địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Chỉ đạo Trạm Y tế phối hợp tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát, lan rộng; Tăng cường tuyên truyền để nhân dân biết cách tự phòng bệnh, chủ động khai báo khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, đến các cơ sở y tế khi có triệu chứng và tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ tại cộng đồng.