Thay đổi “diện mạo” để đô thị Huế “chuyển mình” mạnh mẽ
01/12/2020 11:52:10 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Cả hệ thống chính trị, người dân thành phố Huế hiện đang ra sức, quyết tâm cao để thực sự thay đổi “diện mạo” theo hướng khang trang – hiện đại – thông minh – thân thiện môi trường cho Huế - đô thị trung tâm của cả tỉnh; khơi dậy những tiềm năng, lợi thế, nắm bắt vận hội để vươn lên “chuyển mình” một cách mạnh mẽ…
Hàng loạt các dự án (DA) được triển khai
Đầu tiên phải kể đến là dự án di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế. Sau gần 2 năm triển khai công tác di dời dân cư ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế và đầu tư hạ tầng khu dân cư Bắc Hương Sơ, đến nay, thành phố Huế đã hoàn tất công tác di dân khu vực Thượng Thành. Trên 500 hộ dân đã “an cư” trên đất mới và các hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà với phương thức “chìa khóa trao tay”. Thành phố đang tiếp tục triển khai di dời khu vực Eo Bầu, Hộ Thành hào, Tuyến phòng lộ… với nỗ lực đẩy nhanh tiến độ sớm hơn kế hoạch đề ra. Đây là cuộc “di dân lịch sử”, đảm bảo chính sách bồi thường, hỗ trợ đúng theo khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy định hiện hành. Qua đó, đảm bảo đời sống người dân khu vực I di tích Kinh thành Huế.
Trước đó, từ điểm nhấn cầu gỗ lim, thành phố Huế tiếp tục triển khai nhiều dự án (DA) chỉnh trang khu vực hai bờ sông Hương, gồm hai tuyến đường đi bộ bờ Nam đến bờ Bắc; các công viên, “điểm xanh” dọc hai bờ sông đồng bộ, làm thay đổi bộ mặt mỹ quan đô thị Huế và tạo thêm điểm vui chơi giải trí cho người dân, du khách.
Bên cạnh đó, Công viên Phú Xuân đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Dã Viên đang xây dựng các trục đường nối các trục phía trong Cửa Ngăn, Cửa Quảng Đức, Nhà Đồ, tạo tuyến đường liên thông từ các di tích đến khu vực dọc hai bờ sông Hương (HBSH). Khu vực Bến Me được tập trung chỉnh trang và xây dựng các điểm tắm cộng đồng với hệ thống các điểm đỗ xe nhỏ dành cho khách du lịch. Khu vực chợ Đông Ba phía bờ sông sẽ được sắp xếp, chỉnh trang, vệ sinh môi trường với mục tiêu đưa mặt tiền chính chợ Đông Ba hướng ra sông Hương, đồng thời chỉnh trang khu vực chợ phía đường Trần Hưng Đạo, tạo sự khang trang, đồng bộ.
Hạ tầng các khu vực trong Dự án di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế và tái định cư được xây dựng đồng bộ, sớm tiến độ, người dân rất phấn khởi
 
Theo Chủ tịch UBND thành phố Huế Hoàng Hải Minh, hạ tầng khu vực hai bờ sông Hương và các tuyến đường trung tâm đang dần hoàn thiện, thành phố tiếp tục đầu tư các tiện ích đô thị theo hình thức xã hội hóa tại các công viên dọc hai bờ sông, nghiên cứu, đưa các tiện ích vào công viên, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách. Sắp tới, thành phố Huế sẽ phát triển thêm DA xe đạp phục vụ nhu cầu đi dạo trong các công viên và đường đi bộ dọc hai bờ sông; chỉnh trang các trạm xe buýt theo hướng hiện đại và thay thế dần các biển quảng cáo ngoài trời bằng hệ thống màn hình LED hiện đại, thân thiện môi trường.
Tiếp tục tăng cường hệ thống chiếu sáng khu vực 2 bờ sông, đảm bảo độ sáng phù hợp, thay đổi màu sắc trong chiếu sáng công viên hướng đến tiêu chí đồng bộ, sang trọng; triển khai trồng hoa bốn mùa dọc hai bờ sông và kết nối đường đi bộ kết hợp xe đạp kéo dài phần tiếp giáp sông Hương còn lại, đoạn từ cầu Dã Viên đến chùa Linh Mụ.
Việc vận hành, đưa vào sử dụng mạng lưới kết nối đường đi bộ dọc sông Hương, chỉnh trang các tuyến đường trung tâm, đầu tư thêm tiện ích đô thị và các dự án khác đã và đang được triển khai sẽ từng bước thực hiện các đề án của tỉnh, như: “Huế - thành phố bốn mùa hoa”, “Xanh - Sạch- Sáng” hướng tới thêm tiêu chí sang trọng và thông minh, thân thiện với môi trường.
 
Kỳ vọng từ những dự án khởi công mới, Đề án Điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế
Trong năm 2021, TP Huế có hàng loạt Dự án khởi công mới, như: Dự án nâng cấp đường Nguyệt Biều (giai đoạn 2); dự án chỉnh trang dải phân cách, vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (từ cầu Trường Tiền đến cầu Gia Hội); dự án chỉnh trang vỉa hè đường Trần Cao Vân (từ đường Hà Nội đến đường Bến Nghé - Đội Cung); dự án trồng, thay thế cây xanh đường phố năm 2021; dự án cải tạo, nâng cấp kết nối trung tâm hệ thống đèn tín hiệu giao thông; dự án thoát nước các khu vực ngập úng năm 2021; dự án thoát nước đường Tăng Bạt Hổ - giai đoạn 3 (đoạn từ cầu Bạch Yến đến cầu Bãi Dâu); dự án chỉnh trang hai bờ sông Hương - hạng mục điện chiếu sáng công viên Phú Xuân (đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Dã Viên – giai đoạn 2); dự án chỉnh trang công viên 3 tháng 2…
TP Huế hình thành thêm các tuyến phố đi bộ, phố đêm tại các tuyến đường quanh Đại Nội Huế; kết nối không gian đi bộ bờ Nam sông Hương với bờ Bắc sông qua cầu Trường Tiền gắn với việc phát triển không gian phố đêm chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo, đường Trịnh Công Sơn và các khu vực đường Trương Định, Phạm Hồng Thái, Bà Triệu, Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An.
Thành phố Huế có rất nhiều dự án khởi công mới trong năm 2021
 
Theo Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Huế - ông Hoàng Hải Minh, giai đoạn 2020- 2025, thành phố Huế tập trung đầu tư các DA góp phần chỉnh trang đô thị, điểm nhấn là các DA nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị; hình thành các tuyến giao thông ven sông tạo đường đi dành riêng cho người đi xe đạp và đi bộ, gắn với bảo tồn, gìn giữ không gian xanh và bảo vệ môi trường hai bờ sông Hương. Ngoài ra, tập trung đầu tư vào các tiêu chuẩn chưa đạt liên quan đến chất lượng đô thị: Mật độ đường cống thoát nước chính, cấp điện sinh hoạt, tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng, tỷ lệ đường khu nhà ở, ngõ được chiếu sáng…
Một công việc không kém phần quan trọng nữa đó là, mở rộng địa giới TP. Huế. Vì vậy, những Dự án chỉnh trang đô thị đó sẽ góp phần tạo bước đột phá, làm thay đổi bộ mặt đô thị trung tâm, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị.
 
Tạo chuyển biến về hạ tầng và không gian đô thị, giúp Huế phát triển mạnh mẽ, bền vững
UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế - Phan Thiên Định cho rằng: Định hướng phát triển Thành phố Huế là Thành phố di sản, văn hóa, du lịch đặc sắc là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển đô thị Huế. Thời gian đến, thành phố Huế tiếp tục chỉ đạo công tác chỉnh trang đô thị Huế trên các lĩnh vực hạ tầng, cảnh quan đô thị theo hướng bảo vệ các giá trị di sản, phát huy, khai thác các tiềm năng cảnh quan vốn có, góp phần thu hút khách du lịch.
Bí thư Thành ủy Huế - Phan Thiên Định cho biết thêm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu: “... Xây dựng Huế trở thành đô thị di sản quốc gia theo hướng “ Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, là trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á ...”. Để tạo đột phá trong du lịch, dịch vụ, thương mại giai đoạn 2020-2025, thành phố tập trung nguồn lực, triển khai giải pháp nhằm tạo môi trường và cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh các loại hình thương mại, du lịch, dịch vụ cao cấp, khai thác tiềm năng về ẩm thực, văn hóa truyền thống, đầu tư các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp...
TP Huế đang nỗ lực nắm bắt vận hội để vươn lên “chuyển mình” một cách mạnh mẽ
 

Còn trong Đề án mở rộng TP Huế, vấn đề nghiên cứu quy hoạch kết nối hạ tầng, không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trung tâm đồng bộ với khu vực mở rộng là rất cần thiết. Với trọng tâm xây dựng, phát triển đô thị Huế mở rộng là đô thị hạt nhân khi cả tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Huế xác định việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch là khâu quan trọng, có tính chất then chốt, cần phải làm tốt, có chất lượng nhằm tạo ra động lực phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế theo đúng tinh thần và định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 54. Từ đó, thay đổi “diện mạo” đô thị Huế rõ rệt theo hướng khang trang – hiện đại – thông minh – thân thiện với môi trường,nắm bắt các vận hội để vươn lên “chuyển mình” một cách mạnh mẽ… 

Thái Hùng (Văn phòng HĐND&UBND thành phố Huế)
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>