Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản
25/07/2024 10:09:38 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Từ ngày 01/8/2024, Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán vận chuyển trái phép thủy sản (Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP) chính thức có hiệu lực thi hành.
   Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP gồm 11 Điều, hướng dẫn áp dụng 10 Điều của Bộ luật Hình sự liên quan đến các hành vi: Xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông để khai thác thủy sản trái phép; xâm phạm trong lĩnh vực thương mại thủy sản.
    Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển nước ngoài. Trong đó, tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép và tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 348 và Điều 242 Bộ luật Hình sự) hoặc tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244 Bộ luật Hình sự) có thể bị phạt tù cao nhất đến 15 năm.
     Ngoài ra, các hành vi vi phạm khác cũng bị xử lý vi phạm theo pháp luật như:  Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam, sau đó, ngư dân, thành viên tàu cá trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Xử lý về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349 Bộ luật Hình sự) có thể bị phạt tù cao nhất đến 15 năm; Hành vi vi phạm quy định về xuất cảnh hoặc tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép mà còn làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 347 hoặc Điều 348 và Điều 341 Bộ luật Hình sự, có thể bị phạt tù cao nhất đến 22 năm; Hành vi vận chuyển thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc vào vùng biển Việt Nam nhưng không có giấy phép, không đúng với nội dung giấy phép, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Xử lý về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189 Bộ luật Hình sự) có thể bị phạt tù cao nhất đến 20 năm.
      Đáng chú ý, ngư dân khi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá nhằm mục đích khai thác thủy sản trái phép; làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả, con dấu của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản sẽ bị khởi tố.
   Theo Cục Kiểm ngư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 6 tháng đầu năm, tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý vẫn còn diễn biến phức tạp, hình thức vi phạm ngày càng tinh vi. Số lượng các vụ việc vi phạm nghiêm trọng theo quy định chưa được xử lý triệt để, đảm bảo tính răn đe. Trước đây một số hành vi về khai thác thủy sản chỉ mới dừng ở xử phạt hành chính. Tuy nhiên, từ ngày 01/8, việc áp dụng Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ bị xử lý hình sự nhằm tạo sức răn đe đối với các hành vi vi phạm và thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) sớm gỡ “Thẻ vàng”  thủy sản của Ủy ban châu Âu.
Huỳnh Thị Ly (Phòng Văn hóa & Thông tin TP Huế)