Công điện khẩn số 06 của Chủ tịch UBND thành phố Huế về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn thành phố Huế
03/11/2024 2:18:52 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Ngày 03/11/2024, Chủ tịch UBND thành phố Huế đã có Công điện khẩn số 06 về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn thành phố Huế.
   Theo đó, căn cứ Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 02/11/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Để chủ động ứng phó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Trưởng các Phòng, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị, đoàn thể cấp thành phố, Chủ tịch UBND các phường, xã khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:
   1. Thủ trưởng các Phòng, ban, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các phường, xã theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân. Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến sự cố công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng của nhân dân, tài sản nhà nước, nhân dân.
   2. UBND các phường, xã:
- Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, bão số 6, nhất là tại các địa phương ven biển. Tăng cường tuyên tuyền, vận động người dân có phương án dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu chủ động ứng phó với mưa lũ, chia cắt có thể diễn ra dài ngày.
- Tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến mưa lũ để chủ động triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai ảnh hưởng đến địa bàn quản lý.
- Rà soát các kế hoạch, phương án sơ tán dân, phương án ứng phó thiên tai lũ, khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ quét, ngập lụt; đối với các địa bàn ven biển, đầm phá quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả tàu bãi ngang ven biển) không để người dân trú tránh trên tàu thuyền, nhà bè nuôi thủy sản khi có gió mạnh.
 - Kiên quyết tổ chức sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, vùng ven biển, cửa sông, ven phá (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu,…); triển khai phương án ứng phó mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ.
- Chỉ đạo, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn.
- Chỉ đạo lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các khu vực khi xảy ra lũ lụt; nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ.
- Thường xuyên, định kỳ báo cáo thông tin, diễn biến công tác ứng phó của các đơn vị, địa phương; cập nhật tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ về lực lượng, phương tiện, lương thực, thuốc men… về Phòng Kinh tế - Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN thành phố để tổng hợp, theo dõi, báo cáo theo đúng khung thời gian quy định.
   3. Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng, Đồn biên phòng Của khẩu Cảng Thuận An, UBND các phường, xã: Thuận An, Hải Dương hướng dẫn neo đậu bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện tại cảng, bến, khu neo đậu; tuyệt đối không để người dân trú tránh trên phương tiện, tàu, thuyền khi có gió mạnh, sóng lớn, nước dâng.
   4. Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố chỉ đạo lực lượng phối hợp với các phòng ban, đơn vị chuyên môn, địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch, phương án, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị triển khai hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai.
   5. Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao; UBND các phường, xã tăng cường thời lượng, tần suất đưa tin cảnh báo, dự báo thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất phục vụ kịp thời cho người dân biết để chủ động ứng phó.
   6. Phòng Kinh tế thành phố chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố bất ngờ; kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn ao nuôi thuỷ sản, lồng bè, các cơ sở chăn nuôi nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ.
   7. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố rà soát, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai, chỉ đạo các trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn Thành phố căn cứ vào tình hình thực tế mưa lũ tại địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên khi có thiên tai xảy ra.
   8. Phòng Quản lý Đô thị thành phố; Trung tâm Quản lý và Khai thác Hạ tầng kỹ thuật; UBND các phường, xã
- Khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu thi công triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công: Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, cầu cửa Thuận An, …, triển khai phương án chống va trôi tàu thuyền, sà lan đang thi công ảnh hưởng đến an toàn các công trình cầu đường bộ xung yếu trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị vận tải, bến xe, 3 bến thuyền xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
- Chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi…, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn máy móc, thiết bị, vật tư, phương tiện đề phòng lũ quét, ngập úng, sạt lở đất, rút toàn bộ công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động ra khỏi các khu vực nguy hiểm để bảo vệ an toàn tuyệt đối; bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dỡ dang, khơi thông dòng chảy phòng tránh ngập úng cục bộ.
   9. Trung tâm y tế thành phố có phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế; tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu.
   10. Lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và các phường, xã tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn đã được phân công.
   11. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố cập nhật diễn biến bão, mưa, lũ, nhất là tình hình ứng phó tại các địa bàn vùng trũng, ven biển; đôn đốc và tổng hợp, thực hiện chế độ báo cáo UBND thành phố, BTV Thành ủy và UBND tỉnh.
 
   Trước đó, sáng 1/11/2024, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh có công văn yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, TP. Huế; chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

   Đó là, khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, bão số 6, nhất là tại các địa phương ven biển TP. Huế, các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc; tuyên tuyền, vận động người dân có phương án dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu chủ động ứng phó với mưa lũ, chia cắt có thể diễn ra dài ngày.

   Theo dõi sát diễn biến của mưa lớn trong những ngày tới được cập nhật trên trang thông tin Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia (https://kttv.gov.vn, https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn), Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, ứng dụng Hue-S, trang Facebook Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

   Chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó; rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.

   Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống mưa lũ chia cắt, kéo dài nhiều ngày. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh kiểm tra các phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt.

   Tiếp tục chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ cho các đợt mưa lớn trong những ngày tới; trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc và vận hành công trình theo quy trình đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

   Rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông khu vực dễ bị chia cắt, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân và nhà nước.

Thái Hùng (Văn phòng HĐND và UBND thành phố Huế)
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>