Tin video
Sản phẩm làng nghề tiêu thụ mạnh tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023
02/05/2023 12:25:17 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Không gian tôn vinh Nghệ nhân và các làng nghề đã thu hút trên 300.000 lượt người tham quan mua sắm; doanh thu bán hàng của hầu hết các cơ sở tham gia Festival đều đạt kết quả cao, trong đó tổng doanh thu và tổng đơn hàng của các cơ sở nghề trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế đạt hơn 15 tỷ đồng (riêng tổng doanh thu tăng 35% so với Festival nghề truyền thống Huế 2019), trong đó nhiều cơ sở có doanh số bán hàng cao, như Cơ sở mỹ nghệ Thái Vinh, Trà Vả Lộc Mai, Cơ sở Búp Sen……
   Du khách tìm hiểu các sản phẩm tại Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề ở đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu
 
   Trải dài bên dòng Hương, gần 70 làng nghề và hơn 350 nghệ nhân, bàn tay vàng của các làng nghề nổi tiếng trong cả nước đã hội tụ về Huế tham gia trưng bày và thao diễn nghề trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống (NTT) Huế 2023. 
   Dấu ấn bàn tay người thợ
   Đồng bào Chăm Ninh Thuận nổi tiếng với ba làng nghề truyền thống bao gồm nghề thuốc cổ truyền của làng Phước Nhơn, nghề gốm của làng Bàu Trúc và nghề dệt thổ cẩm của làng Mỹ Nghiệp. Độc đáo trong ba làng nghề này, làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp được biết đến như một nét tinh hoa trong nghệ thuật với sức hút mạnh.
   Lần thứ 4 tham gia trưng bày, thao diễn nghề tại Festival NTT Huế, gian hàng dệt thổ cẩm Chăm của nghệ nhân Thuận Thị Trụ thu hút nhiều du khách. 
   “Trước sự cạnh tranh gáy gắt của các sản phẩm dệt thổ cẩm trên thị trường, thời gian gần đây sản phẩm dệt rất khó tiêu thụ. Thế nhưng, đến với Festival NTT Huế, các sản phẩm làng nghề như vải, khăn chuàng, túi xách, các con thú… được khách hàng lựa chọn, đồng thời đã tìm được đại lý tiêu thụ tại thành phố Huế và tỉnh Quảng Bình nên rất vui”, nghệ nhân Thuận Thị Trụ chia sẻ.
   Hồi sinh qua các kỳ Festival NTT Huế và đưa sản phẩm gốm trở thành thương hiệu du lịch làng nghề, đến với Festival năm nay, gốm Phước Tích chuẩn bị hơn 80 mẫu sản phẩm, trong đó có nhiều mẫu mới lần đầu tiên ra mắt thị trường, như dây chuyền bằng gốm, tranh gốm, chuông gió, các linh vật…
   Theo ông Lương Thanh Hiền - chủ cơ sở gốm Phước Tích, Festival NTT thực sự là cơ hội cho nghề và làng nghề truyền thống khi sản phẩm được giới thiệu và quảng bá đến với nhiều du khách, tạo ra thị trường tiêu thụ rộng rãi và nhận nhiều đơn hàng giá trị lớn. Cũng từ Festival NTT, huyện Phong Điền đã hình thành tour du lịch Hương Xưa làng cổ nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn nói chung và sản phẩm làng nghề nói riêng phát triển và vươn xa.
Du khách xem thao diễn nghề chằm nón lá sen
 
   Cơ hội tiêu thụ sản phẩm làng nghề
   Nằm trong chuỗi các chương trình, hoạt động tại Festival NTT Huế 2023, Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề được bố trí trải dài trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và công viên Tứ Tượng, quy tụ 21 nhóm nghề với sự tham gia của 69 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 nghệ nhân, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước.
Được bày biện và bố trí khá đẹp mắt, hàng chục gian hàng mộc mỹ nghệ, gốm, đúc đồng, hoa giấy, áo dài… rực rỡ sắc màu nên du khách thoả sức ngắm nhìn và lưu lại những khoảnh khắc kỷ niệm trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Festival NTT Huế năm nay còn kích cầu sản xuất và tiêu dùng cho hàng chục cơ sở làng nghề sau dịch Covid-19.
   Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trần Song nhấn mạnh, với mục tiêu khôi phục, gìn giữ và phát huy các sản phẩm tinh hoa của các nghề thủ công truyền thống của Huế nói riêng và cả nước nói chung, không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề là điểm nhấn của Festival NTT Huế 2023, đồng thời là một trong 11 chương trình chính diễn ra tại Festival và được bố trí bên bờ sông Hương trữ tình, thơ mộng.
Thái Hùng (Văn phòng HĐND và UBND thành phố Huế)
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>