Công điện 05 của Chủ tịch UBND thành phố Huế về việc chủ động ứng phó với bão số 6 (tên quốc tế TRAMI), nước dâng do bão, mưa lớn diện rộng, sạt lở đất trên địa bàn thành phố Huế
25/10/2024 5:18:21 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Hồi 10 giờ ngày 25-10-2024, vị trí tâm bão số 6 (bão Trami) ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 km/giờ. Từ 26 – 29/10, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn ở Trung bộ, vùng mưa rộng từ Hà Tĩnh đến Phú Yên. Trong đó, trọng tâm mưa tập trung ở Quảng Trị - Quảng Nam với lượng mưa từ 200 - 300 mm.
   Ngày 25/10/2024, Chủ tịch UBND thành phố Huế có Công điện khẩn số 05 về việc chủ động ứng phó với bão số 6 (tên quốc tế TRAMI), nước dâng do bão, mưa lớn diện rộng, sạt lở đất trên địa bàn thành phố Huế. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Trưởng các Phòng, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị, đoàn thể cấp thành phố, Chủ tịch UBND các phường, xã khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:
   1. Thủ trưởng các Phòng, ban, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các phường, xã theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 25/10/2024. Chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của bão 6 và mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân. Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến sự cố công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng của nhân dân, tài sản của nhà nước, nhân dân.
   2. UBND các phường, xã:
   - Tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến mưa bão để chủ động triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai ảnh hưởng đến địa bàn quản lý.
   - Tăng cường tuyên tuyền, vận động người dân giằng chống, gia cố nhà cửa; gia cố các cây xanh có nguy cơ gãy đổ trên địa bàn.
   - Rà soát các kế hoạch, kịch bản, phương án sơ tán dân, phương án ứng phó thiên tai bão, lũ, khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ quét, ngập lụt; đối với các địa bàn ven biển, đầm phá quản lý chặt chẽ và tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, đánh bắt cá trên đầm phá khi có gió mạnh, không để người dân trú tránh trên tàu thuyền, nhà bè nuôi thủy sản khi có bão.
   - Kiểm tra theo phân cấp quản lý về công tác bảo đảm an toàn tại các nhà ở, nhà cao tầng, tháp viễn thông, trụ ăng ten, hệ thống điện, nhà máy, công trình, công trường đang thi công, nhất là giàn giáo, cần trục tháp, nhà cao tầng, chung cư cũ xuống cấp, công trình ngầm.
   - Có phương án cảnh báo các khu vực nguy hiểm, sạt lở bờ biển, bờ sông, các ngầm tràn, tuyến đường thấp trũng, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. 
   3. Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng, Đồn biên phòng Của khẩu Cảng Thuận An, UBND các phường, xã: Thuận An, Hải Dương hướng dẫn neo đậu bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện tại cảng, bến, khu neo đậu; tuyệt đối không để người dân trú tránh trên phương tiện, tàu, thuyền khi có gió mạnh, sóng lớn, nước dâng do bão.
   4. Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố: Huy động, chỉ đạo rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó với bão, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.
   5. Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao; UBND các phường, xã tăng thời lượng phát sóng, đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến bão, mưa lũ, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, biết được kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai, nhất là gió mạnh, nước dâng do bão, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt nhằm hạn chế thiệt hại.
   6. Phòng Kinh tế thành phố chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố bất ngờ; kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn ao nuôi thuỷ sản, lồng bè, khu neo đậu tránh trú bão, các cơ sở chăn nuôi nhằm hạn chế thiệt hại do bão lũ.
   7. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố rà soát, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai ngành giáo dục và đào tạo; chỉ đạo các trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn Thành phố căn cứ vào tình hình thực tế mưa lũ tại địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và nhân viên khi có mưa, bão xảy ra.
   8. Phòng Quản lý Đô thị thành phố; Trung tâm Quản lý và Khai thác Hạ tầng kỹ thuật; UBND các phường, xã
   - Khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu thi công triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công: Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, cầu qua cửa Thuận An, …, triển khai phương án đảm bảo an toàn các cầu qua sông, phòng chống va trôi cầu tàu thuyền, sà lan đang thi công ảnh hưởng đến an toàn các công trình cầu đường bộ, đường sắt xung yếu trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị vận tải, bến xe, bến thuyền có phương án đảm bảo an ninh trật tư, an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
   - Chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình xây dựng, thủy lợi, giao thông kiểm tra công tác đảm bảo an toàn máy móc, thiết bị, vật tư, phương tiện; tổ chức neo đậu phương tiện, xà lan tránh va trôi; gia cố, cố định hệ thống cần cẩu đề phòng gió mạnh, sóng lớn bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động; bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công, khơi thông dòng chảy phòng tránh ngập úng cục bộ.
   - Phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn tại các công trình nhà cao tầng, các công trình xây dựng có sử dụng cần cẩu tháp, các công trình anten viễn thông cấp II (có chiều cao từ 75m đến dưới 150m); hướng dẫn kỹ thuật giằng, chống nhà, mái lợp, cửa kính, panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao; công tác quản lý đô thị và hoạt động xây dựng theo phân cấp để hạn chế tình trạng ngập úng tại các đô thị.
   9. Trung tâm y tế thành phố có phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế; tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu.
   10. Trung tâm Phát triển Cụm Công nghiệp thành phố xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các nhà xưởng, cơ sở vật chất, thiết bị sản xuất và công nhân khi có thiên tai xảy ra.
   11. Lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và các phường, xã tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn đã được phân công.
   12. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố thực hiện chế độ ứng trực để theo dõi, thường xuyên cập nhập tình hình mưa bão; báo cáo UBND thành phố và Ban chỉ huy PCTT & TKCN thành phố xem xét, chỉ đạo.
Thái Hùng (Văn phòng HĐND – UBND thành phố Huế)