Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 660 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 42.400 con, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường. Để chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh DTLCP kịp thời, hiệu quả, UBND Thành phố ban hành Công văn số 7178/UBND-NN về việc triển khai quyết luyệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã thuộc thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 23/07/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời bám sát Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi trên địa bàn thành phố Huế giai đoạn 2021-2025. Rà soát thống kê báo cáo tình hình chăn nuôi trên địa bàn, chỉ đạo cán bộ và nhân viên thú y thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình dịch bệnh tại địa phương để có báo cáo kịp thời cho cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý chăn nuôi; xây dựng các phương án để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch (nếu có), tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết. Lưu ý các địa điểm chôn lấp, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Tăng cường chỉ đạo thực hiện một số giải pháp: bố trí lực lượng để kiểm tra, tiêu độc tại các vùng dễ xảy ra có dịch; xử lý nghiêm theo đúng quy định các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức và cá nhân; Định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch đối với cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, địa điểm thu gom, địa điểm buôn bán; Thực hiện đúng quy trình trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y nhằm đảm bảo cung cấp đủ sản phẩm lợn sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn.