Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số đơn vị, cá nhân còn chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng. Ít có loại tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản như trong các vụ hỏa hoạn. Tại các đô thị, sự xuất hiện ngày càng nhiều các công trình nhà cao tầng, công trình ngầm, các trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, các trạm xăng, dầu trong nội đô, nguy cơ cháy, nổ là rất lớn và hậu quả khôn lường. Trong khi đó nguyên nhân dẫn đến cháy, ban đầu chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ, một sự cố chập điện bình thường hoặc từ những bất cẩn của con người không được phát hiện, xử lý kịp thời dẫn đến bùng phát thành đám cháy dữ dội. Việc đảm bảo các trang thiết bị, điều kiện nhân lực, vật lực về an toàn PCCC tại các công sở, cơ quan, đơn vị, khu dân cư một số nơi chỉ làm chiếu lệ, qua loa, mang tính đối phó. Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều khi chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà quên đi biện pháp bảo vệ an toàn cho tính mạng người lao động và tài sản của mình. Ngày 09/7/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Huế ban hành Công văn số 6337/UBND-PCCC về việc triển khai các giải pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 6548/UBND-NC và Công văn số 5036/UBNDPCCC ngày 03/6/2024 của UBND thành phố về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Huế; trong đó tập trung rà soát, phân loại và có ngay giải pháp hữu hiệu về PCCC đối với nhà cho thuê trọ, nhất là nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ, dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC theo quy định. Chủ động thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra an toàn PCCC các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC trong phạm vi quản lý (trong đó tập trung rà soát, phân loại có ngay giải pháp hữu hiệu về PCCC đối với nhà cho thuê trọ, nhất là nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ, dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định). Triển khai quyết liệt việc vận động 100% hộ gia đình tự trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy và mỗi gia đình có ít nhất có một người được tập huấn về kỹ năng chữa cháy, thoát nạn; 100% nhà từ 02 tầng trở lên có lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2 để thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra. Theo địa bàn quản lý, yêu cầu đơn vị quản lý các Nhà chung cư, Nhà tập thể, nhà trọ, cơ sở lưu trú, cơ sở có nguy có cháy, nổ cao phải tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ để Nhân dân nắm vững các kỹ năng thoát nạn, kỹ năng chữa cháy, vận động, hướng dẫn hộ gia đình có “chuồng cọp” mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2 để thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra. Đồng thời tổ chức rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở tôn giáo, di tích, đình tại địa phương (theo phân cấp quản lý). Trong đó, tập trung kiểm tra hệ thống điện; kiểm tra cách bố trí tài sản, hàng hóa, phương tiện, lối thoát hiểm; sử dụng nguồn nhiệt, lửa tại các nơi thắp hương, hóa vàng mã; tình trạng, khả năng hoạt động của phương tiện PCCC tại chỗ; trách nhiệm người đứng đầu cơ sở, ban quản lý di tích trong việc thực hiện công tác PCCC…
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thành phố thường xuyên tổ chức tốt công tác tự kiểm tra an toàn PCCC; rà soát toàn bộ các cơ sở, các công trình thuộc quyền và phạm vi quản lý, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC; chấp hành nghiêm các kiến nghị của các Đoàn Thanh tra, Đoàn kiểm tra về công tác PCCC và CNCH (nếu có). Tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền, huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động (100% người làm nhiệm vụ PCCC (Đội PCCC cơ sở) phải được tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật); tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo đúng quy định. Thường xuyên kiểm tra, khảo sát, rà soát; kịp thời sửa chữa, bảo trì các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Để đảm bảo an toàn không để xảy ra cháy, nổ mỗi người dân hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tìm hiểu những nơi về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi. Tự kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót để hạn chế thấp nhất số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra. Thực hiện tốt công tác PCCC là bảo vệ tính mạng, tài sản, giữ bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình và toàn xã hội.