Thành phố Huế: Tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, nhà trẻ, cơ sở chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao
20/09/2023 11:37:51 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Thực hiện Kế hoạch số 313/KH-UBND ngày 15/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao; đồng thời, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (viết tắt là PCCC và CNCH); UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 7516/KH-UBND ngày 19/9/2023 về việc Tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, nhà trẻ, cơ sở chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao.
Ảnh minh họa: Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Tổ liên gia từ số 157 đến 185 đường Trần Hưng Đạo, phường Đông Ba vào tối 10/9/2023
 
   Theo đó, Đối tượng rà soát, kiểm tra là các cơ sở chung cư, cư xá, nhà trẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao; các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn còn tồn tại, vi phạm về PCCC đang hoạt động; các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP nhưng chưa được kiểm tra, quản lý theo quy định.
    Thời gian kiểm tra từ ngày 20/9/2023 đến ngày 25/10/2023.
   Nội dung kiểm tra:
   a) Trách nhiệm về PCCC và CNCH của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 5 Luật PCCC và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ.
   b) Điều kiện an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ và Điều 12 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ.
Quá trình kiểm tra các cơ sở chung cư, cư xá, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao cần lưu ý yêu cầu, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình:
- Thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH.
- Tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC và CNCH, tập trung một số nội dung sau: Việc duy trì yêu cầu về ngăn cháy lan, lối thoát hiểm khẩn cấp; hệ thống, thiết bị PCCC; hệ thống điện; quản lý, sử dụng nguồn điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ; thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, việc sạc xe máy điện, xe đạp điện; bố trí, sắp xếp vật dụng, phương tiện (ô tô, xe máy,…), hàng hóa kinh doanh trong nhà đảm bảo ngăn cháy lan; tổ chức lực lượng PCCC tại chỗ trực để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh.
- Trang bị hệ thống, thiết bị báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ,… phù hợp với quy mô nhà.
   c) Rà soát, kiến ​​nghị khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH, trong đó làm rõ cụ thể những tồn tại, vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, công trình, hoạt động của cơ sở.
UBND Thành phố giao các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố về công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố.
Tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, nhà trẻ, cơ sở chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn thành phố Huế - Ảnh minh họa: Chung cư Nera Garden – khu đô thị Phú Mỹ An, phường An Đông
 
   Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC; phải chủ động chỉ đạo xây dựng phương án, kịch bản ứng phó; thực hiện quyết liệt các biện pháp PCCC và CNCH tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân; kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Xác định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy - lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình về công tác PCCC và CNCH, để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.
   Yêu cầu UBND các phường, xã thông báo công khai trên các phương tiện thông tin địa phương những cơ sở tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, cơ sở đã ngừng hoạt động, cơ sở không bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH để các bộ phận có liên quan và người dân cùng giám sát. Yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ kinh doanh sau khi khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH phải có báo cáo kết quả thực hiện; phối hợp với Công an cấp xã tổ chức kiểm tra, đánh giá lại, sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH mới được hoạt động trở lại. Giao Công an Thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các nội dung Kế hoạch này; tổng hợp báo cáo theo quy định.
 Công an tỉnh, Công an thành phố kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn
 
   Trước đó, UBND Tỉnh ban hành kế hoạch số 311/KH-UBND về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao.
   Kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố. Nắm chắc tình hình, làm tốt công tác phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra, không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan.  Đánh giá đúng thực trạng về PCCC và CNCH đối với cơ sở theo địa bàn và cấp quản lý; tiếp tục rà soát, tuyên truyền, kiểm tra, xử lý 100% hành vi vi phạm về an toàn PCCC và CNCH, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 136/2020/ND-CP. Bắt buộc các cơ sở khắc phục tất cả những tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC tương ứng với thời điểm đưa cơ sở đi vào hoạt động, kiên quyết không để cơ sở vi phạm về PCCC và CNCH, có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động.
   Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, ban ngành, đoàn thể, UBND cấp xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH. Kiện toàn, củng cố phát huy hiệu quả lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và CNCH tại các khu dân cư, chung cư, nhà trọ, nhà trẻ,… đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm thực chất, hiệu quả. Chấp hành chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCCC và CNCH theo quy định. Công tác rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC và CNCH phải được thực hiện quyết liệt, toàn diện, bảo đảm khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh.
Thái Hùng (Văn phòng HĐND – UBND thành phố Huế)
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>