Nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng
03/08/2023 8:55:30 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Thiên tai luôn là loại hình gây thiệt hại cho tính mạng và tài sản của một quốc gia nhiều hơn bất cứ loại hình nào. Theo Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên Hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, các loại hình thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm hơn 1 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ người dân, thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỷ USD.
   Trong khi đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Ước tính, trong 20 năm qua, ở nước ta, các loại thiên tai đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế hơn 6,4 tỷ USD.
   Năm 2023 được nhận định là một năm thiên tai diễn biến bất thường và khó lường. Trước những diễn biến ngày càng bất thường của tình hình thiên tai, ngày 27/7/2023, UBND thành phố Huế ban hành Kế hoạch số 5982/KH-UBND về Triển khai thực hiện Quyết định số 3271/QĐ-UBND ngày 31/12/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”, giai đoạn năm 2023-2025.
   Theo đó, thời gian triển Kế hoạch từ năm 2023 đến năm 2030, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2023-2025. Phạm vi triển khai thực hiện ở các xã, phường trên địa bàn thành phố, trước hết tập trung tại các khu vực nguy cơ rủi ro cao thuộc các xã, phường, thường xuyên chịu tác động của thiên tai.
  Kế hoạch đã đưa ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn, trong đó phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ  nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan tới các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng xuyên suốt từ thành phố đến các địa phương; Đội ngũ giảng viên, tập huấn viên các cấp được trang bị đầy đủ kiến thức về thiên tai và năng lực để tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức về thiên tai, kỹ năng ứng phó thiên tai tại cộng đồng;  Người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt được phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó thiên tai.
  Giai đoạn đến hết năm 2030, phấn đấu đạt 100% cán bộ, viên chức, cá nhân khi tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh thuộc đối tượng 4 và đối tượng là cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư được phổ biến về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong phòng, chống thiên tai; 100% người dân ở các xã, phường thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và ít nhất 50% người dân ở các khu vực khác được phổ biến kiến thức về thiên tai và kỹ năng phòng tránh thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn. Bên cạnh đó, 100% các bậc đào tạo giáo dục đưa nội dung phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào một số môn học để giảng dạy; 100% số xã, phường xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai phải có sự tham gia của cộng đồng, đồng thời phấn đấu 100% hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai và thông tin chỉ đạo phòng, tránh thiên tai.
   Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, nội dung của Kế hoạch tập trung vào 4 hợp phần, gồm: Hợp phần chuẩn bị sẽ nghiên cứu đề án; rà soát, khảo sát nhu cầu thực tế, dự thảo các văn bản tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn theo hướng dẫn của Trung ương, tỉnh phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương.
   Hợp phần 1: Phối hợp hoàn thiện cơ chế, chính sách, tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Hợp phần 2: Nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền các cấp về quản lý, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Và cuối cùng là hợp phần 3 sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
   Kế hoạch được ban hành nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân nhằm góp phần thực hiện tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai.
   Có thể thấy rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt và khó lường, để chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cần có một chiến lược dài hạn, nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được đẩy mạnh triển khai thực hiện nhằm xây dựng cộng đồng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành văn hóa phòng ngừa, tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân, qua đó góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai gây ra. Vì một Việt Nam an toàn, phát triển bền vững, chúng ta hãy cùng nhau chung tay hành động nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai trước những biến đổi từ Mẹ thiên nhiên.
Huỳnh Thị Ly (Phòng Văn hóa & Thông tin TP Huế)