Sản xuất đèn lồng là nghề thủ công truyền thống lâu đời của Huế. Đèn lồng Huế, được nhiều du khách đánh giá cao không chỉ bởi mẫu mã đẹp, đa dạng mà còn bởi chất lượng, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn chinh phục thị trường khó tính ở nhiều nước trên thế giới.
Cơ sở sản xuất đèn lồng Cố đô Huế nằm tít sâu trong ngôi làng nhỏ cạnh sông Hương thuộc phường Hương Long, TP Huế. Trước khoảng sân rộng treo đủ loại đèn lồng nhiều màu sắc và 5 người thợ đang ngồi cặm cụi cắt tỉa khung đèn lồng. Anh Nguyễn Ngọc Mẫn – chủ cơ sở sản xuất đèn lồng Cố đô Huế cho biết: "Khi chưa có dịch COVID-19, xưởng làm đèn lồng của tôi thường ngày có khoảng 50 người làm việc. Dịch đến, đơn hàng ít dần và khó đưa hàng ra nước ngoài nên nhân công cũng giảm dần".
Để có được thương hiệu như ngày hôm nay, cơ cở của anh Mẫn cũng trải qua không ít khó khăn. Anh Mẫn kể, sản xuất đèn lồng là nghề gia truyền của gia đình. Ngày trước, ông nội của anh có tham gia làm đèn lồng để trang trí trong cung đình. Sau do tình hình kinh tế khó khăn, những học trò được ông truyền nghề cũng dần bỏ nghề, nghề làm đèn lồng xưa cũng dần biến mất. Sau khi tốt nghiệp ngành Mỹ thuật tại TP HCM anh Mẫn quay về Huế, mở cơ sở sản xuất đèn lồng Cố đô với mong muốn làm sống lại nghề làm đèn lồng gia truyền. Những ngày đầu mới bước chân vào nghề, gia đình anh gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Anh Mẫn cho biết: “Ban đầu, chúng tôi ký gửi hàng hoá tại một số nơi chuyên bán hàng lưu niệm, số lượng hàng bán ra cũng không nhiều. Do chưa xây dựng được thương hiệu nên phần lớn người dân nhầm đèn lồng của chúng tôi là đèn lồng Hội An hoặc của Trung Quốc. Chính vì vậy, chúng tôi càng nỗ lực vực dậy nghề truyền thống và quyết tâm xây dựng thương hiệu đèn lồng Cố Đô Huế”.
Tại Festival nghề truyền thống Huế 2013, gia đình anh mang sản phẩm đèn lồng tham gia triển lãm và bắt đầu được người dân và du khách chú ý. Số lượng đơn đặt hàng cũng theo đó tăng lên. Để thu hút khách hàng, cơ sở đã nghiên cứu và chế tác ra nhiều mẫu mã từ đèn lồng truyền thống. Anh Mẫn cho biết, hơn 20 năm theo nghề, hiện trong tay anh có hơn 100 mẫu đèn lồng. Tuy nhiều mẫu mã nhưng những chiếc đèn lồng này vẫn giữ được cái hồn của lồng đèn truyền thống xứ Huế, khác hẳn với đèn lồng Hội An hay các dạng đèn lồng nước ngoài khác đang bày bán trên thị trường. Đơn cử như đèn lục giác Huế có bộ khung làm từ gỗ thông được tuyển chọn nên chắc chắn hơn các loại đèn lồng khác để chống chịu với thời tiết khắc nghiệt ở đây. Phần vải làm đèn lồng cũng được chọn từ những tấm vải gấm, tơ lụa tằm có chất liệu khá bền. Họa tiết trên đèn được vẽ bằng tay một cách tỉ mẫn...
Trong những năm qua, đèn lồng Cố đô đã được đưa đi tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, festival nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá về một sản phẩm, một ngành nghề truyền thống của Huế. Ngoài ra, để phát triển thương hiệu, cơ sở đèn lồng Cố đô đã gắn phát triển nghề với phát triển sản phẩm du lịch, hàng lưu niệm. Với những nỗ lực trong công tác quảng bá sản phẩm, đến nay, lồng đèn Cố đô Huế không chỉ có mặt tại các thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang,... mà còn chinh phục thị trường khó tính ở nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, New Zealand, Malaysia...
Anh Mẫn kể lại: "Năm 2014, trong một lần đưa đèn lồng đi trưng bày ở một hội chợ tại Hà Nội, tôi làm quen được một anh bạn kiến trúc sư người Nhật. Anh bạn này đặt luôn mấy trăm cái để đưa về Nhật trang trí tại các nhà hàng, khách sạn... Đây là đơn hàng đầu tiên xuất ngoại của tôi". Sau đơn hàng đó, anh Mẫn được mời sang Tokyo (Nhật Bản) để trực tiếp bán lồng đèn cho các khách hàng ở đây.
Đến nay, đèn lồng Cố đô Huế đã xây dựng thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Thời gian tới, bên cạnh việc nghiên cứu tìm tòi nhiều mẫu mã mới, phát triển chất lượng, cơ sở đèn lồng Cố đô sẽ mở rộng quy mô sản xuất, thiết kế các loại đèn với nhiều chất liệu khác nhau để phục vụ mọi đối tượng khách hàng.