Công phu nghề làm nón lá
20/04/2021 11:55:22 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Từ lâu nón lá đã trở thành một sản phẩm mang đậm nét văn hóa của đất nước. Chiếc nón lá tuy mộc mạc nhưng ẩn chứa trong đó là những hình ảnh đẹp của đất nước Việt Nam đến gần với bạn bè quốc tế. Vậy nên, du khách nước ngoài khi tới đây đều mong muốn tìm cho mình chiếc nón lá ưng ý để làm quà cho bạn bè và người thân. Chính vì thế, để đáp ứng như cầu của khách hàng, nón lá ngày nay cũng được người thợ cải tiến với rất nhiều mẫu mã phong phú.
   Nghề làm nón lá đã xuất hiện ở Huế hàng trăm năm với các làng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long...  Đặc trưng riêng của nón Huế là sự mỏng manh, hài hòa, cân đối với dạng chóp nhọn, vành rộng vừa phải, vừa mềm mại lại bền chắc, có màu trắng sáng đặc trưng, hòa lẫn trong màu xanh nhẹ nhàng. Để làm ra một sản phẩm - tác phẩm đẹp, thanh mảnh, bền là cả một nghệ thuật, đầy công phu của nghệ nhân. Về kỹ thuật, người thợ Huế rất công phu và tỉ mỉ trong mọi công đoạn, từ làm khuôn, chọn lá, ủi lá, xây lá, chằm, nức vành, cho tới đính soài, phủ dầu, phơi nắng. Đặc biệt, chằm nón bài thơ càng kỳ công và tỉ mẩn hơn với thao tác công phu ở kỹ thuật tạo hình và cắt chữ trên giấy màu đậm (màu tím, đỏ...), xếp chen giữa hai lớp lá nón để tăng thêm phần mỹ thuật và nét duyên dáng cho người sử dụng. Thế nên có thể xem nón lá bài thơ là một tác phẩm tiêu biểu cho nghề nón lá xứ Huế. Hiện nay, nón Huế, ngoài nón 3 lớp, nón bài thơ, nón lá kè, sự sáng tạo của các nghệ nhân Huế đã cho ra đời thêm nón lá Bàng, nón lá Sen và nón Trúc chỉ.
   Phường Kim Long (TP.Huế) là nơi có nghề làm nón lâu đời. Nhờ kinh nghiệm và đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, nón lá Kim Long không những mang được dấu ấn biểu trưng cho vẻ đẹp của văn hóa Huế mà còn trở thành mặt hàng lưu niệm được ưa thích. Bên cạnh chiếc nón lá truyền thống, người thợ làm nón ở Kim Long đã thay thế lá nón bằng chất liệu mới để tạo ra một sản phẩm lưu niệm độc đáo đó là nón xương lá bàng rừng. Từ những chiếc lá bàng rừng tưởng chừng bỏ đi nhưng với bàn tay tài hoa và khối óc nghệ thuật, vợ chồng ông Võ Ngọc Hùng đã tạo ra những chiếc nón lá Huế mới lạ độc đáo. Từ khi xuất hiện, những chiếc nón lá bàng đã tạo nên một làn gió mới cho nón Huế.
   Ông Hùng chia sẻ: “Sau gần 2 năm miệt mài nghiên cứu tìm hiểu đến cuối năm 2018 những chiếc nón xương lá bàng của tôi mới hoàn thiện và cho ra thị trường. Tôi đã thử qua nhiều loại lá nhưng chỉ có lá bàng là có cấu trúc gân lá, xương lá đan chặt chẽ với nhau, nên tôi chọn nó để làm chiếc nón này. Để có những chiếc nón đẹp, phải lựa chọn những lá bàng không già, không non, sau đó xử lý cho hết phần "thịt”, chỉ để lại phần “xương”, tức là những gân lá tạo thành một lớp lưới mỏng, trong suốt nhưng chắc chắn. Bên cạnh đó, những chiếc nón lá bàng còn được vẽ thêm những họa tiết, hình ảnh bắt mắt, để tăng thêm nét thẩm mỹ cho chiếc nón”.
   Làng Đốc Sơ thuộc phường An Hòa cũng là một trong những nơi làm nên chiếc nón lá truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa Huế. Trước đây, làm nón là nghề chủ lực của làng Đốc Sơ, hầu hết phụ nữ trong làng ai cũng biết chằm nón, nhưng hiện nay chỉ còn vài hộ theo nghề. Để nghề truyền thống của tổ tiên không mất dần theo thời gian, những người phụ nữ làm nón ở Đốc Sơ đã tiếp nhận, tạo ra hình ảnh tươi mới cho chiếc nón lá xứ Huế đó là chiếc nón lá sen độc đáo. Nón sen là ý tưởng của một chàng trai xứ Huế - Nguyễn Thanh Thảo. Sản phẩm nón lá sen đạt giải A cuộc thi “Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo” của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017. Sản phẩm này không những được người dân thành phố Huế đón nhận mà còn vươn ra ngoài biên giới quốc gia đến với du khách của nhiều nước trên thế giới.
   Chị Hồ Thị Phận ở tổ 6, khu vực 3, phường An Hòa chia sẻ: “Nón Đốc Sơ được tiểu thương các chợ ưa chuộng, vì nón ở đây dày dặn, chắc chắn. Cứ mỗi mùa lễ hội, đặc biệt vào dịp Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế, nón tôi làm không kịp để bán. Ngoài chằm loại nón 3 lớp và nón lá kè tôi còn chằm thêm nón lá sen cho doanh nghiệp Sen Thảo. Để làm được chiếc nón lá sen, ngoài việc thực hiện các công đoạn giống chiếc nón lá bình thường thì cần sự cầu kỳ, cẩn thận và tập trung cao độ, đặc biệt là khâu cắt lá phải thật khéo và giữ được đường vân, sóng của lá. Tiếp đến, phải chằm thật tỉ mỉ, khít lá như vậy mới có một chiếc nón lá sen đúng chuẩn”.
   Du lịch phát triển mạnh ở Huế, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc của Huế được du khách ưa chuộng. Rất nhiều du khách đã về tận các làng nón để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Hiện nay, nghề làm nón lá đang dần mai một nhưng vẫn còn những người thợ tài hoa âm thầm gắn bó với nghề làm nón. Nón lá Huế đã ghi đậm dấu ấn tài năng và sự cần cù của nghệ nhân xứ Huế.
Cẩm Nhung (Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Huế)
Các bài khác