Tiếp tục đổi mới để xứng đáng vị thế “lá cờ đầu” của ngành giáo dục và đào tạo thành phố Huế
09/09/2024 2:50:46 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thành phố Huế ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), mua sắm trang thiết bị nhằm góp phần nâng cao chất lượng GD, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.
   Thành phố Huế luôn chú trọng đầu tư, phát triển giáo dục, cơ sở vật chất, chất lượng dạy học ở các ngành học, cấp học không ngừng nâng lên
 
   Thêm nhiều phòng học mới, cơ sở vật chất được đầu tư
   Bước vào năm học 2024 - 2025, thầy và trò Trường THCS Duy Tân có thêm nhiều phòng học, phòng chức năng mới; đồng thời bổ sung thêm trang thiết bị dạy và học như máy vi tính, bàn ghế..., sẵn sàng cho mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học để đạt kết quả cao nhất. Sau thời gian xây dựng, tháng 8/2024 nhà trường đưa vào sử dụng khu hiệu bộ với 4 phòng bộ môn, như: Phòng ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc, khoa học tự nhiên cùng với 10 phòng chức năng, gồm: Phòng tư vấn học đường, phòng y tế, thư viện…, nâng tổng số phòng học, phòng bộ môn của trường lên 34 phòng, đảm bảo nhu cầu học tập cho hơn 1.000 học sinh.
   Theo cô giáo Võ Thị Phương Khanh - Hiệu trưởng nhà trường, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, từ đó chất lượng mũi nhọn cũng tăng cao. Năm học 2023 - 2024, vị thứ học sinh giỏi của trường được xếp thứ 3 toàn thành phố. Kết quả này đã tạo động lực giúp đội ngũ giáo viên phấn khởi, tạo môi trường thi đua dạy tốt, học tốt để ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục, tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh vào lớp 6 năm học này khá cao - hơn 300 học sinh, khẳng định sự tin tưởng của phụ huynh trong việc chọn trường cho con, trong đó CSVC cũng đóng vai trò quan trọng.
Học sinh Trường THCS Duy Tân đọc sách trong thư viện mới
 
   Năm học 2024 - 2025, ngành GD&ĐT thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 ở tất cả các lớp, từ lớp 1 đến lớp 12 và lần đầu tiên tổ chức kỳ thi tuyển sinh đầu cấp và kỳ thi tốt nghiệp THPT theo CTGDPT 2018. Vì vậy, ngành GD&ĐT thành phố Huế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đổi mới và nâng cao chất lượng GD, trong đó tập trung thực hiện CTGDPT 2018 từ lớp 1 đến lớp 9.
   Ngay từ năm học vừa qua, thành phố Huế đã quan tâm đầu tư kinh phí để các trường thực hiện công tác cải tạo, sửa chữa, nâng cấp và mua sắm thiết bị, tăng cường CSVC trường lớp đảm bảo cho công tác quản lý và giảng dạy để kịp đưa vào sử dụng trong năm học 2024 - 2025. Cùng với Trường THCS Duy Tân, trong năm học mới này, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn đưa vào sử dụng nhiều phòng học, phòng chức năng mới, như: Trường Mầm non Hương Phong, Mầm non Thuận Hòa, Trường THCS Tôn Thất Tùng, THCS Nguyễn Du…
   Ngoài ra, thực hiện kế hoạch về xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh trường học giai đoạn 2023 - 2025, năm học qua có 24 trường thực hiện việc cải tạo, sửa chữa đưa vào sử dụng với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị phục vụ thay sách cho lớp 4 và lớp 8 năm học 2023 - 2024 gần 24,5 tỷ đồng.
Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch Nước
 
   Nâng cao chất lượng giáo dục
   Phòng GD&ĐT thành phố Huế tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định để thực hiện CTGDPT 2018 đối với lớp 5, lớp 9 năm học 2024 - 2025; đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ và trình độ đào tạo của giáo viên ngoại ngữ nhằm đáp ứng các yêu cầu đổi mới GD&ĐT hiện nay. Trong đó, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa - nghệ thuật - di sản Huế, tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động GD nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật dự, chúc mừng tại Ngày khai giảng năm học mới 2024 – 2025 tại trường Mầm non Vĩnh Ninh
 
Không khí khai giảng năm học mới 2024 – 2025 ý nghĩa, vui tươi tại các trường học thuộc thành phố Huế
 
   Năm học 2024 - 2025, ngành GD&ĐT thành phố tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện. Trong đó, đối với GD mầm non, tiếp tục nâng cao chất lượng GD mầm non, bảo đảm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, GD trẻ đáp ứng yêu cầu đổi mới CTGD mầm non; đẩy mạnh công tác xã hội hóa GD để chuẩn bị các điều kiện triển khai thí điểm CTGD mầm non mới. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 75% trường mầm non và phổ thông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Học sinh thành phố Huế tìm hiểu, tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn
 
   Đối với giáo dục phổ thông, phòng triển khai đánh giá, phân tích kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 và kết quả sau 4 năm thực hiện CTGDPT 2018 để có giải pháp cụ thể nhằm phát huy các kết quả đạt được, khắc phục các bất cập và đưa ra định hướng chỉ đạo nâng cao chất lượng của mỗi cơ sở GD trên địa bàn thành phố.
   Lãnh đạo UBND thành phố Huế nhấn mạnh, để xứng đáng là “lá cờ đầu” của ngành GD&ĐT tỉnh, thành phố Huế tiếp tục ưu tiên các nguồn lực đầu tư CSVC, trang thiết bị dạy và học cho các cơ sở GD. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, trong đó phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đảm bảo đủ số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Ngoài ra, tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tiếp tục thực hiện đổi mới công tác tổ chức thi học sinh giỏi và các hội thi khác đảm bảo khách quan, công bằng, thực chất, đánh giá đúng năng lực của giáo viên và học sinh nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng GD toàn diện, chất lượng đại trà và “mũi nhọn”.
Thái Hùng (Văn phòng HĐND – UBND thành phố Huế)