Ấn tượng, đặc sắc, ý nghĩa tạo hình “linh vật Rồng” năm Giáp Thìn 2024 tại thành phố Huế
09/02/2024 9:15:34 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Chào đón năm Giáp Thìn, UBND thành phố Huế tổ chức Hội xuân với chủ đề "Tinh hoa đất trời – Chuyển mình bứt phá" bên dòng sông Hương từ công viên Lý Tự Trọng về cầu Trường Tiền và các khu vực khác. Các linh vật rồng được sắp đặt tại đây đã được đón nhận, không ngớt lời khen ngợi, đánh giá cao từ dư luận, người dân và du khách...

    Các linh vật Rồng được sắp đặt ở TP. Huế được đón nhận nồng nhiệt và nhiều lời khen ngợi, thu hút đông đảo người dân, du khách đến “mục sở thị”...

   Ngoài trang trí hoa lá, tiểu cảnh, thành phố Huế đã tạo mô hình hai con rồng chầu mặt nguyệt ở quảng trường trước trường Quốc Học Huế và rồng vàng bay lên ở đài phun nước trước mặt trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

   Tạo hình linh vật rồng được nhóm thiết kế lên ý tưởng và nghiên cứu công phu các chất liệu, làm sao lột tả được đường nét uyển chuyển của thân rồng, lại vừa mang những nét đặc trưng của văn hóa cung đình Huế. Vảy rồng được nghiên cứu mô phỏng ngói thanh lưu ly Huế, loại ngói được sử dụng phổ biến cho các công trình cung điện, lăng tẩm và đền chùa cố đô. Đây còn là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa đất và trời, đặt hy vọng về một cuộc sống mưa thuận gió hòa, êm ấm và ổn định.

   "Từ những bản phác thảo đầu tiên, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm những vật liệu thân rồng đáp ứng được các yêu cầu gắt gao về kỹ thuật và mỹ thuật. Những tiêu bản in 3D đầu tiên đòi hỏi đơn vị thiết kế tìm kiếm loại vật liệu đặc tả được những chiếc vảy rồng, kỹ thuật đan chồng từng miếng. Từ đó tạo ra các mảng màu đan xen tạo hiệu ứng thị giác từ xa, nhưng khi nhìn gần vẫn thấy được từng chi tiết theo ý đồ thiết kế", đại diện Công ty AGS chia sẻ.

  (Ảnh trên) Linh vật rồng được chọn đặt tại quảng trường trước trường Quốc Học Huế được thiết kế là sự tổng hoà của hình tượng rồng lớn kết hợp tạo hình trăm hoa đua nở của vùng đất Cố đô. Linh vật hội tụ đầy đủ đặc điểm được cho là tốt đẹp nhất của 9 con vật có thật gồm thân rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, sừng hươu, chân hổ, móng vuốt đại bàng, tai bò, mũi và bờm sư tử, đuôi gà trống. Linh vật dài hơn 30 m được chế tác từ khung sắt, vải, xốp. Các họa tiết đầu, sừng, vảy rồng được chế tác tinh xảo. Từ đêm 03/02/2024 (24 âm lịch), hai tạo hình linh vật rồng được thắp sáng đã thu hút người dân và du khách đến chụp hình lưu niệm.

   (Ảnh trên) Không gian công viên Lý Tự Trọng trước mặt UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về đêm trở nên lung linh với ánh sáng đài phun nước. Điểm nhấn của khu vực này là linh vật rồng vàng hướng bay lên trời. 

   Dọc công viên Lý Tự Trọng, tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nhiều mô hình cũng được dựng lên để người dân vui xuân chụp ảnh, tạo không khí vui tươi, rộn ràng toàn Thành phố.

   Dưới đây là một số hình ảnh được ghi lại:

Rồng được chế tác từ khung sắt, vải, xốp. Các họa tiết đầu, sừng, vảy rồng được chế tác tinh xảo

Trước khi làm nên cặp “linh vật rồng” này, đơn vị thi công cũng đã tham vấn rất kỹ từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế

Các “linh vật rồng” tại TP Huế được người dân, du khách đến xem, thưởng thực và không ngớt lời khen ngợi

Cách đó không xa, tạo hình Rồng trước trụ sở UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế theo tư thế bay lên trời, với hàm ý một năm mới phát triển bứt phá

Thái Hùng (Văn phòng HĐND – UBND thành phố Huế)
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>