Thành phố Huế: Phát triển du lịch vùng đầm phá ven biển, đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch
17/10/2021 5:30:25 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Mở rộng địa giới hành chính, TP. Huế không chỉ có vùng đồng bằng mà hội đủ địa hình với đầm phá, biển và đồi núi nên định hướng khai thác “thế mạnh” này đang được thành phố chú trọng nhằm tạo cảnh quan độc đáo, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, trong đó lấy người dân là chủ thể, nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch, kinh tế và bảo vệ môi trường...
Với "lợi thế" tự nhiên, thành phố Huế sẽ phát triển mạnh về du lịch vùng đầm phá ven biển - Ảnh (Nguyễn Phong): Khu rừng ngập mặn Rú Chá (xã Hương Phong) được đánh giá là tuyệt sắc
 
   Phát huy thế mạnh của thành phố Huế mở rộng
   Rừng ngập mặn Rú Chá cách trung tâm TP. Huế gần 14km, thuộc làng Thuận Hòa, xã Hương Phong. Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại trên phá Tam Giang, có khung cảnh tuyệt đẹp nên thu hút khá nhiều du khách và người dân đến tham quan, thưởng thức dịch vụ ẩm thực.
   Khu rừng này có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai và được xem như "lá phổi" xanh. Khu rừng nguyên sinh quý hiếm này còn là “bức tường xanh” giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bảo vệ đê điều và tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.  Hiện nay, Rú Chá được bảo vệ, phát triển với nhiều định hướng thúc đẩy kinh tế xã hội, du lịch của địa phương và các mục đích to lớn khác... Để giải quyết việc đậu đỗ xe tránh gây ách tắc giao thông, hiện UBND xã Hương Phong đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu, đầu tư bãi đỗ xe khu vực Rú Chá.
   Lãnh đạo thành phố Huế rất mong muốn và nhanh chóng có những dự án, chương trình phát triển Rú Chá với nhiều mục đích to lớn hướng tới, gắn với thúc đẩy KT-XH và các lĩnh vực khác ở địa phương, tạo thêm bước phát triển về du lịch cho thành phố Huế...
Thành phố Huế sẽ phát triển du lịch vùng đầm phá ven biển, đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch - Ảnh: Người dân, du khách tại Rừng ngập mặn Rú Chá
 
   Cùng với Rú Chá, Cồn Tè là vùng đất ngập mặn nằm đối diện cửa biển Thuận An, cũng thuộc địa phận xã Hương Phong. Từ ngày công trình cầu, đập Thảo Long đưa vào sử dụng, nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách tham quan và thưởng thức ẩm thực.
   Tuy nhiên, do chưa được đầu tư và định hướng phát triển nên lâu nay, 2 địa điểm du lịch này chưa thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nên chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh.
   Qua kiểm tra thực địa Rú Chá và Cồn Tè vào đầu tháng 10/2021, lãnh đạo TP. Huế đề nghị xã Hương Phong tiếp tục phát triển hơn nữa diện tích rừng ngập mặn, bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, đồng thời duy trì và phát huy thế mạnh về du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, trong đó lấy người dân là chủ thể, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng năng lượng xanh, sắp xếp và bố trí hợp lý hệ thống thùng thu gom rác đảm bảo hài hòa với thiên nhiên đối rừng ngập mặn Rú Chá.
Biển Hải Dương - TP Huế vẫn giữ được nét hoang sơ, trong lành, tinh khiết - Ảnh: Trân Ơi
 
   Bên cạnh Hương Phong, Hải Dương và Thuận An là địa phương vùng biển vừa sáp nhập vào TP. Huế từ 1/7/2021 nên việc chủ động quy hoạch bờ biển, nhất là các bãi tắm công cộng đang được thành phố Huế đặt ra. Trong đó, tập trung nâng cấp mở rộng đường dẫn ra biển, đầu tư chỉnh trang bãi tắm, phát triển các loại hình dịch vụ lưu trú trong cộng đồng như homestay, các dịch vụ ăn uống, cắm trại, vui chơi giải trí nhằm thu hút khách.
   Theo Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, thành phố tiến hành các quy hoạch tổng thể cho phát triển du lịch, dịch vụ vùng đầm phá và ven biển của thành phố, trong đó triển khai nghiên cứu để hình thành các tour, tuyến du lịch mới đặc sắc ở Hải Dương - Rú Chá - Cồn Tè - Thuận An…, Từ đó hình thành chuỗi dịch vụ, du lịch khép kín, kết hợp với thế mạnh vốn có của ngành du lịch thành phố là du lịch di sản văn hóa với du lịch khám phá nghỉ dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả của ngành du lịch, trong điều kiện mới khi công tác phòng chống dịch bệnh cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" để chủ động đầu tư hạ tầng cơ sở, vận hành trở lại các dịch vụ du lịch trên địa bàn.
 
   Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch
   Mới đây, HĐND TP. Huế đã thông qua Nghị quyết thống nhất bổ sung dự kiến danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giao UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án (DA) nhằm hoàn thiện hạ tầng đô thị, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, kích cầu du lịch địa phương.  
   Trong đó, đầu năm 2022 sẽ triển khai DA cầu Thiên Thai ở phường An Tây nhằm kết nội giao thông ở khu vực phía Tây thành phố; nhóm DA điện chiếu sáng, đèn giao thông và chỉnh trang vỉa hè, công viên, gồm nâng cấp cụm đèn tín hiệu giao thông nút giao Nguyễn Trãi - Thái Phiên; điện chiếu sáng các đường, kiệt thành phố; cải tạo, nâng cấp điện chiếu sáng một số đường trung tâm thành phố; chỉnh trang vỉa hè đường Nguyễn Trãi (từ cống Vĩnh Lợi đến cửa An Hòa); vỉa hè đường Lê Trực, Tống Duy Tân; vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ đường Mai Thúc Loan đến đường Trần Quý Cáp)…
   Trước đó, thành phố Huế đã phê duyệt và triển khai DA đầu tư hệ thống điện chiếu sáng tại 13 xã, phường mới sáp nhập, trong đó trọng tâm là các xã Hải Dương, Hương Phong, Hương Thọ, phường Thuận An… để hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người dân phát triển dịch vụ du lịch về đêm.
Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định và Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật kiểm tra thực địa các địa phương: Hải Dương, Hương Phong, Thuận An...
 
   Các DA triển khai kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Đặc biệt, chủ trương đầu tư các DA sẽ tiếp tục đưa TP. Huế phát triển xứng tầm, đồng thời thay đổi diện mạo đô thị theo hướng khang trang, tạo đà cho thành phố Huế phát triển trong các giai đoạn tiếp theo, phát huy thế mạnh với địa bàn thành phố Huế mở rộng.
Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật (áo trắng) thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Dự án trên địa bàn thành phố
 
   Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, từ nay đến cuối năm, thành phố đẩy nhanh tiến độ các chương trình, DA trọng điểm, đồng thời triển khai các giải pháp kích cầu du lịch, tăng cường việc đào tạo, nâng cao tay nghề đối với đội ngũ người lao động. Trong đó, thúc đẩy đề án hoàn thiện các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 -2025 và định hướng đến năm 2030; tiếp tục xây dựng tuyến phố văn minh thương mại; chỉnh trang công viên 2 bờ sông Hương (Phú Xuân, Kim Long...) và DA nâng cấp, chỉnh trang các tuyến đường trung tâm như Hà Nội, đường dọc bờ sông Hương (phía Nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa; hoàn thiện DA chỉnh trang các tuyến đường xung quanh Hoàng Thành như Lê Huân, Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm; chỉnh trang bến xe Đông Ba phục vụ du lịch, dịch vụ về đêm; phố đi bộ Hoàng Thành... nhằm kích cầu và “đón đầu” để phát triển toàn diện các lĩnh vực trong tình hình mới.
Thái Hùng (Văn phòng HĐND – UBND thành phố Huế)
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>