Với quyết tâm cao, thành phố Huế đã được những kết quả khích lệ với việc đã ổn định tình hình khi mở rộng thành phố, khắc phục khó khăn, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực, vừa phòng chống dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ, đảm bảo đời sống người dân...
Vượt khó, ổn định tình hình
TP Huế được mở rộng từ ngày 1/7/2021, theo Nghị quyết 1264/NQ- UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bước đi quan trọng trong hành trình phấn đấu đưa cả tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.
Khi mở rộng, mọi thứ không dễ dàng với địa bàn rộng lớn, còn sự bỡ ngỡ. Thành phố Huế phải thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa nhanh chóng ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế, không lâu sau sự kiện sáp nhập, đợt dịch COVID - 19 bùng phát phức tạp hơn nhiều ở địa bàn cả nước, cũng như tỉnh và TP Huế, đặt ra hàng loạt vấn đề cần phải nhanh chóng giải quyết. Với những chỉ đạo điều hành quyết liệt, thời gian qua dịch bệnh Covid-19 ở TP Huế cơ bản kiểm soát.
Ở khía cạnh khó khăn khác, “câu chuyện” từ xã lên phường nhưng ở các địa phương mới sáp nhập vào TP Huế lại khác nhau. Với Phú Thượng hay Thủy Vân lâu nay thuộc huyện, nhưng lại “sát” thành phố nên có quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, giá đất cao, ý thức thị dân cũng đã được hình thành, “tiệm cận” với thành phố. Còn với các xã như: Hương Phong, Hương Thọ và Thủy Bằng, mọi thứ đều là… “khởi đầu nan”.
Dù ngổn ngang công việc, Thành phố Huế đã khắc phục khó khăn, ổn định bộ máy trên toàn địa bàn - Ảnh: Trụ sở khang trang của UBND phường Thủy Vân - 1 trong 13 địa phương sáp nhập vào TP Huế
Cũng trong dịp này, TP. Huế đã sắp xếp lại 9 phường, có diện tích nhỏ dưới tiêu chuẩn, không gian phát triển bị chia cắt, theo hướng sáp nhập còn lại 6. Theo đó, thành lập phường Gia Hội trên cơ sở nhập phường Phú Cát và Phú Hiệp; phường Đông Ba trên cơ sở sáp nhập phường Phú Hòa và Thuận Thành. Từ xã lên phường và từ phường nhỏ trở thành phường lớn, mọi thứ đều đổi thay.
Đến hiện tại, hệ thống chính trị ở toàn TP Huế mở rộng đã “khớp”, liền mạch, phối hợp nhịp nhàng để làm việc. Trong bộn bề công việc phải lo toan, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định khẳng định, quan trọng và cần phải làm ngay cùng với mở rộng không gian đô thị Huế là từng bước đầu tư nâng cấp 13 phường, xã vừa sáp nhập để đạt các chuẩn đô thị, đưa các xã thành phường; tăng cường công tác quản lý xây dựng, đô thị trên địa bàn,…
Có thể khẳng định rằng, hệ thống chính trị và người dân các phường, xã đều tỏ rõ sự đồng thuận cao khi nhập vào TP Huế.
Phát huy tiềm năng, lợi thế và đầu tư 13 địa phương sáp nhập
Huế hiện là đô thị có đủ địa hình biển, đầm phá và đồi núi. Cũng bởi vì thế mà Huế có nhiều thế mạnh cần phát huy. Thực tế, cùng với Thuận An, sự góp mặt Hải Dương đã xác định vị thế thành phố biển. Đi kèm với biển là đầm phá và đó lại là đặc thù không nơi nào có được của Huế. Sáp nhập Thủy Bằng, Hương Thọ, Hương Hồ và cả Hương An nữa đã bổ sung thế mạnh núi đồi... cho Huế. Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Hương Phong và cả Thủy Vân, Phú Thượng, nông nghiệp đã trở thành một thế mạnh đáng kể khi bàn về sự phát triển của Huế mở rộng.
Kinh tế biển là một trong nhiều hướng phát triển của thành phố Huế sau mở rộng - Ảnh: Biển Thuận An (trước khi có dịch Covid-19)
Theo Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật, thành phố đã phê duyệt chủ trương và chuẩn bị triển khai DA điện chiếu sáng một số tuyến đường từ trung tâm thành phố kết nối về các xã, phường mới sáp nhập, bao gồm các tuyến đường dọc sông Hương từ xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu về đến cầu Diên Trường, ngược lên xã Hương Vinh đến trung tâm thành phố. Riêng xã Hải Dương sẽ đầu tư hệ thống điện chiếu sáng cả tuyến trung tâm đoạn từ giáp ranh xã Quảng Công đến cửa biển Thuận An và một số tuyến đường kết nối với các phường Hương An, Hương Hồ, xã Hương Thọ, Thuỷ Bằng... với tổng mức đầu tư khoảng 18 tỷ đồng.
DA điện chiếu sáng và lắp camera giám sát tại các tuyến đường từ trung tâm thành phố kết nối về các xã, phường mới sáp nhập đã được UBND thành phố Huế phê duyệt, đầu tư
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: Di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế - “cuộc di dân lịch sử” làm đổi thay cuộc sống người dân theo hướng khang trang và tốt hơn. Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế, chỉnh trang Công viên 02 bờ sông Hương. Lập Chương trình phát triển đô thị thành phố Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đang thương thảo hợp đồng thực hiện Chương trình. Các dự án chỉnh trang vỉa hè đường Lê Huân, Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân hoàn thành 97% khối lượng (đường Đặng Thái Thân đã hoàn thành). Dự án Chỉnh trang dải phân cách, vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (từ cầu Trường Tiền đến cầu Gia Hội) đạt 95%. Dự án Chỉnh trang đường Võ Văn Tần, vỉa hè đường Trần Cao Vân đạt 98%. Hiện đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng công trình Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ chỉnh trang di tích Hổ Quyền - Voi Ré... Tiếp tục xử lý và di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô thành phố vào Cụm Công nghiệp An Hòa. Diện mạo đô thị Huế ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh, xanh – sạch – sáng, dư luận rất đồng tình và phấn khởi, người Huế ngày càng tự hào về mảnh đất quê hương...
Hơn cả “mục tiêu kép”
Theo lãnh đạo TP Huế, các bước tiếp theo trong phát triển KT-XH TP Huế, đó là tiếp tục ưu tiên công tác phòng, chống và ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch COVID -19 theo phương châm giảm thiểu các sinh hoạt không thiết yếu, ưu tiên đảm bảo an toàn và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của Nhân dân; chỉnh trang, định hướng phát triển phần lõi TP. Huế thành đô thị di sản đặc thù; mở rộng không gian phát triển đô thị Huế. Phòng chống thiên tai bão lũ hiệu quả…
Huế - đô thị di sản
Ban Thường vụ Thành ủy Huế tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức sơ sở Đảng sau thực hiện Nghị quyết 1264; rà soát, xây dựng lại đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là những đơn vị mới sáp nhập, thành lập mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Phối hợp xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch phát triển TP. Huế gắn với tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; rà soát để bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch phát triển; khai thác, phát triển các ngành, lĩnh vực, yếu tố kinh tế mới của thành phố phát sinh sau quá trình mở rộng địa giới hành chính.
Phát triển xứng tầm để thành phố Huế là động lực cho sự phát triển toàn diện của cả tỉnh, gắn với lợi ích bền vững của Nhân dân
Lâu nay, TP Huế đóng vai trò là đô thị “hạt nhân” trung tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế. Với các nguồn lực được cộng thêm, với phạm vi mới, yêu cầu mới, Huế phải là trung tâm động lực cho sự phát triển kinh tế, là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, hướng tới là trung tâm giao thương, nơi các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đến đặt trụ sở; nơi có đầy đủ điều kiện để các nhà doanh nghiệp đến nghiên cứu và đầu tư. Huế cũng sẽ hình thành trung tâm nghiên cứu khoa học gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển ngành công nghiệp tri thức chất lượng cao để phát triển Huế trở thành đô thị công nghiệp tri thức. Xây dựng đô thị thân thiện môi trường, hài hòa với thiên nhiên để phát triển Huế trở thành đô thị môi trường “kiểu mẫu”. Hướng tới phát triển thành phố Huế thành một trong 6 đô thị cấp quốc gia trong hệ thống đô thị Việt Nam, là một trong 3 thành phố di sản của Đông Dương với tư cách “Thành phố Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á”.
Đô thị Huế ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh
Có thể khẳng định, việc người dân đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm chung tay hành động cùng cả hệ thống chính trị; những thay đổi trong tư duy và cách làm; nguồn lực về văn hóa lịch sử, con người, cảnh quan thiên nhiên riêng có của mình sẽ phát huy các lợi thế để Huế phát triển lên tầm cao mới...
Việc mở rộng TP. Huế là mong ước đã thành hiện thực của nhiều thế hệ người dân Huế, để làm sao giữ gìn được vùng lõi đô thị di sản mà thành phố đang có; đồng thời, tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng ven thành phố và toàn tỉnh một cách toàn diện và mạnh mẽ, đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị... |