UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO cho "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế"
Ngày 08/5/2024, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) tại Ulaanbaatar, Mông Cổ, “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” của Việt Nam đã chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản tư liệu Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Chín Cửu đỉnh bằng đồng được đặt trong Đại Nội Huế
“Sự công nhận này đã nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam lên con số 10, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu Châu Á - Thái Bình Dương. Các tác phẩm đúc đồng trên Cửu đỉnh đã lưu giữ các giá trị giao thoa và tương tác giữa các nền văn hóa của xã hội Việt Nam và các nước Đông Á”, ông Jonathan Wallage Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết tại buổi lễ.
“Di sản tư liệu của thế giới chính là di sản của tất cả chúng ta. Các di sản đó cần được gìn giữ và bảo tồn một cách toàn vẹn và được tiếp cận một cách vĩnh viễn, được công nhận một cách đúng đắn về các hoạt động thực hành văn hóa và tính thiết thực của văn hoá đó, được dành cho tất cả công chúng và không có sự cản trở”, ông Jonathan Wallage Baker chia sẻ.
Ông Jonathan Wallage Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Thừa Thiên Huế đang là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam. Đây chính là minh chứng rõ nét cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống di sản văn hóa mang giá trị toàn cầu tại vùng đất Cố đô.
Việc UNESCO công nhận “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cửu đỉnh trong kho tàng di sản văn hoá của nhân loại đồng thời đem đến cho Thừa Thiên Huế vị thế là địa phương duy nhất mang trong mình 8 di sản được UNESCO công nhận.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi lễ
Tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình, kế hoạch hành động của Quốc tế và của Chính phủ Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản; để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các đại biểu thực hiện nghi thức hoàn thành "Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hoà"
Các đại biểu tham quan Điện Thái Hoà
Cũng trong chiều cùng ngày, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa. Điện Thái Hòa là kiến trúc quan trọng bậc nhất của Hoàng thành Huế. Đây là nơi tổ chức lễ đăng quang của 13 vị Hoàng đế triều Nguyễn; nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất của triều đình. Ngôi điện này được xây dựng từ mùa xuân 1805 thời Gia Long. Đến thời Minh Mạng, triều đình cho tu bổ cải dựng tại địa điểm mới từ năm 1832, đến năm 1833 thì hoàn thành.
Động thổ công trình phục hồi di tích Điện Cần Chánh
Sau hàng trăm năm tồn tại, Điện Thái Hoà đã trở thành một chứng nhân, chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử dân tộc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, dưới tác động của thời gian, chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, đợt mưa bão cuối năm 2020 khiến ngôi điện đứng trước nguy cơ cần phải cứu nguy.
Ngày 23/11/2021, lễ khởi công Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hoà được thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 129 tỷ đồng và sau 3 năm thi công, dự án đã về đích trước thời hạn 9 tháng.