HƯỚNG ĐẾN CÁC MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ THÂN THIỆN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
20/02/2023 5:32:56 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Thời gian qua, Hội Nông dân từ Thành phố đến cơ sở đã tích cực xây dựng các mô hình phát triển kinh tế thân thiện, bảo vệ môi trường. Từ đó, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân được nâng lên rõ rệt, bà con thay đổi hành vi sống thân thiện với môi trường, hạn chế tình trạng sử dụng rác thải nhựa, vứt rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bảo đảm môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
   Để thực hiện mục tiêu trên, hằng năm Hội Nông dân Thành phố đã tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các cơ sở Hội các chỉ tiêu như: không có người vi phạm bảo vệ môi trường; không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không an toàn; giao chỉ tiêu xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường đến tận chi hội và căn cứ tình hình thực tế ở địa phương lựa chọn mô hình phù hợp. Hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo quy trình an toàn, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
   Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có rất nhiều hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng biện pháp xây bể hoặc sử dụng bể bi-ô-ga vừa tiết kiệm chi phí chất đốt, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở Hội vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia các hoạt động, phong trào như: ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng; khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý rác thải tồn đọng đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp; đặt các pa-nô, áp phích tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nông nghiệp, nông thôn; thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật,…
   Ngoài ra, Hội Nông dân Thành phố đã kịp thời chỉ đạo các cơ sở Hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực hiện theo định hướng của Ban Thường vụ Thành ủy, thành lập mô hình sinh thái, du lịch trải nghiệm trồng Sen để chụp hình lưu niệm tại An Hoà, Xuân Phú, An Đông, Thủy Bằng, Thuận Lộc, Hương Sơ,…
   Đặc biệt, thời gian vừa qua, Hội Nông dân Thành phố đã chủ động phối hợp với tổ chức WWF Việt Nam để thực hiện Dự án triển khai các hoạt động “Giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại thành phố Huế”. Theo đó, Hội Nông dân phường Hương An đã được hỗ trợ nguyên vật liệu và hướng dẫn trên 30 hộ tham gia mô hình sản xuất hành lá theo hướng hữu cơ, thực hành ủ phân hữu cơ tận dụng phế phẩm nông nghiệp, nhằm giảm chi phí trong đầu tư sản xuất. Hội Nông dân xã Hương Thọ được thí điểm hướng dẫn bọc bưởi, thanh trà bằng túi giấy, túi vải không dệt, nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông, giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương với trên 20 hộ tham gia.
   Trong khuôn khổ Dự án, thời gian qua, Hội Nông dân Thành phố đã tổ chức Ngày hội “Đổi áo cũ nhận quà” và tổ chức giới thiệu nông sản đầu nguồn sông Hương nhằm kết nối tiêu thụ nông sản của Hội Nông dân xã Hương Thọ, thành phố Huế. Ngày hội được tổ chức nhằm hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần” trên địa bàn Thành phố. Ngày hội bao gồm nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường như tuyên truyền sống xanh, bảo vệ môi trường cho cộng đồng, đổi áo cũ nhận quà, thu gom rác thải, trưng bày, giới thiệu và kết nối tiêu thụ các nông sản địa phương. Những chiếc áo cũ sẽ được may thành những chiếc túi bọc quả bưởi và thanh trà để ngăn chặn sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hoặc sẽ được may thành những túi đựng bưởi, thanh trà, cung cấp cho người tiêu dùng, hạn chế sử dụng túi ni lông. Thông qua hoạt động này, các hộ hội viên nông dân trên địa bàn xã Hương Thọ nói riêng, hội viên nông dân Thành phố nói chung phần nào thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao gồm cả túi ni lông khó phân hủy. Ngày hội đã thu về hơn 600 kg áo cũ. Hơn 100 phần quà là các nhu yếu phẩm đã dành tặng cho người dân hưởng ứng tham gia chương trình.
   Đầu tháng 12/2022 vừa qua, Hội Nông dân Thành phố phối hợp với 02 cơ sở kinh doanh trên địa bàn ra mắt cửa hàng sinh thái với mô hình Refill station (trạm nạp đầy) đầu tiên tại Thành phố, tại cửa hàng Nông Dân (32 Phùng Hưng) và cửa hàng Liên Minh Xanh (73 Thạch Hãn). Đây cũng là một trong các sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động để chào mừng Đại hội Hội Nông dân Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028. Refill station là một mô hình kinh doanh đặc biệt, giới thiệu và nhân rộng cách “đi chợ kiểu mới”, mà trong đó sản phẩm không nhất thiết phải đóng gói sẵn. Lần đầu tiên tại Huế cho phép người tiêu dùng chỉ cần mang chai lọ, giỏ đựng có sẵn của mình đến cửa hàng để lấy đủ lượng sản phẩm cần dùng và thanh toán theo lượng sản phẩm đó. Sản phẩm tại 02 trạm nạp đầy này rất đa dạng, từ dầu gội, nước lau sàn, nước rửa tay cho đến sản phẩm để nấu ăn như nước mắm, dầu ăn, đậu ngũ cốc các loại,… Phương pháp này vừa giúp tiết kiệm chi phí đóng gói bao bì, vừa giảm lượng rác thải trong hoạt động tiêu dùng cá nhân. Mô hình trạm nạp đầy còn là một cách để khuyến khích mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, đây sẽ là bước khởi đầu để hình thành lối sống và tiêu dùng sinh thái, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động bán hàng trên địa bàn Thành phố. Qua đó thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng bắt đầu từ những thay đổi thói quen nhỏ nhất để dần xây dựng một cuộc sống xanh cho tương lai.
   Tin tưởng rằng, với chủ trương đúng đắn, nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay hành động của bà con nông dân và với sự hỗ trợ tích cực từ phía các nhà tài trợ, Hội Nông dân Thành phố sẽ thực hiện thành công, có hiệu quả phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” cùng với việc giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại thành phố Huế, góp phần giữ gìn danh hiệu “Huế - Thành phố xanh quốc gia”, bảo vệ môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp./.
Nguyễn Thị Bích Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố