Nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp của phụ nữ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) tham mưu UBND Thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch số 1400 - KH/UBND ngày 26/4/2018 về thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện, theo đó hàng năm Hội LHPN Thành phố cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch đến các cơ sở Hội trực thuộc.
Để thực hiện đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp”, Ban Thường vụ Hội LHPN Thành phố đã triển khai thí điểm mô hình tại một số đơn vị như Phú Hội, Thủy Xuân, Kim Long; thành lập ra mắt câu lạc bộ “Phụ nữ khởi nghiệp” thành phố Huế với 27 thành viên đang công tác, sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trên địa bàn Thành phố,… Bước đầu triển khai thực hiện các cấp Hội vẫn gặp không ít khó khăn do thiếu kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là nguồn lực; bên cạnh đó bản thân phụ nữ vẫn còn gặp những rào cản như:: chưa đủ tự tin để vượt ra khỏi vùng an toàn; các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh quy mô còn nhỏ; khả năng tiếp cận thị trường, kỹ năng, kinh nghiệm trong kinh doanh còn hạn chế khiến các chị chưa mạnh dạn trên con đường khởi nghiệp.
Qua 04 năm thực hiện đề án, được sự quan tâm đồng hành, hỗ trợ từ phía các cấp Hội, các ngành liên quan thường xuyên tạo điều kiện, kết nối để các chị được tham gia các lớp tập huấn, các hoạt động trải nghiệm, trưng bày giới thiệu sản phẩm qua đó, các chị đã được cung cấp, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, chia sẽ kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh; đồng thời, Hội LHPN Thành phố cũng đã phát hiện, giới thiệu các phụ nữ có ý tưởng, dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các cuộc thi do Hội LHPN, UBND Tỉnh tổ chức, đồng thời hướng dẫn tìm kiếm nhà đầu tư; nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp; từ đó nhân rộng mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của hội viên phụ nữ trên địa bàn Thành phố.
Một trong những thành công bước đầu là các đề án của hội viên phụ nữ Thành phố đã được chọn tham gia và đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp Tỉnh trong thời gian qua; đặc biệt là các đề án khởi nghiệp gắn với chủ trương, Nghị quyết lớn của Tỉnh và Thành phố liên quan đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa hóa truyền thống trong lĩnh vực ẩm thực, áo dài, sản xuất kinh doanh các sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường và giáo dục... Qua 03 năm, đã có 50 hồ sơ/đề án của hội viên phụ nữ Thành phố tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, trong đó có nhiều hồ sơ đề án đạt giải cao và được hiện thực hóa phát triển như: đề án Hue Lotus (Phát triển du lịch Sen Huế) - Dương Thị Thúy Hằng; đề án “Thành lập Doanh nghiệp thêu may, bảo tồn bản sắc văn hóa Huế” - Nguyễn Thị Đoan Trang; đề án“Phát triển tiềm năng trẻ” - Đinh Ái Mỹ Chi (Phước Vĩnh); đề án Chuỗi Nhà hàng ẩm thực - Đỗ Thị Thu (An Đông); đề án Giáo dục trẻ theo triết lý thuận tự nhiên - Nguyễn Thị Phương Nam (An Hoà); đề án các sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên - Nguyễn Thị Trà My (An Cựu); Nghệ thuật đan dây Macrem (HTM Macrem Factory) - Trương Thị Thanh Huyền và Không gia trải nghiệm văn hóa Huế gắn liền với áo dài cổ cách tân Lart à Huế - Nguyễn Thị Giang Thanh (Vĩnh Ninh); Sản xuất, kinh doanh các dòng bánh quy, bánh ngói - Nguyễn Thị Huyền Sương (Phú Thượng); Ẩm thực vịt quay rút xương - Nguyễn Thị Kim Quý (Xuân Phú); Sản xuất sản phẩm nước tẩy rửa sinh học - Đoàn Thị An Nhàn (Thuận Hòa); Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm Trầm Hương - Thái Thị Kim Lang (Thủy Biều); đề án Trà Sen xứ Huế - Đỗ Ngọc Quỳnh Châu (Tây Lộc),... Trong đó đề án Giáo dục trẻ theo triết lý thuận tự nhiên - Nguyễn Thị Phương Nam (An Hoà) đạt giải nhất; Không gian trải nghiệm văn hóa Huế gắn liền với áo dài cổ cách tân - Lart à Huế - Nguyễn Thị Giang Thanh (Vĩnh Ninh) đạt giải nhì tại cuộc thi “Phụ nữ kinh doanh tài ba” do Hội LHPN Tỉnh và cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do UBND Tỉnh tổ chức; Nghệ thuật đan dây Macrem (HTM Macrem Factory) - Trương Thị Thanh Huyền (Vĩnh Ninh) đạt giải kiến tạo và Maypaperflower (Hoa giấy nghệ thuật) - Phan Ngọc Hiếu (Phú Hội) đạt giải dấu ấn tại chương trình “Phụ nữ hợp tác - kiến tạo tương lai” do dự án Co4Growth (Collaboration for Growth) - Trung tâm thông tin và dịch vụ hỗ trợ nhằm mục tiêu phát triển doanh nhân doanh nghiệp, khởi xướng bởi SVF nhằm phát triển và cung cấp các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp Việt, năm 2022....
Thông qua cuộc thi các chị đã và đang các chị đã và đang khẳng định mình, tự tin, bản lĩnh, tự chủ trong sản xuất kinh doanh và từng bước xây dựng được hình ảnh, thương hiệu và mở rộng thị trường không chỉ trên địa bàn Tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh, thành khác và kể cả quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm tại các Hội chợ trên bàn tỉnh và các Thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,... Có thể nói, đây chính là bước tiến đột phá của “Phụ nữ khởi nghiệp” trong thời gian qua.
Ngoài việc hỗ trợ cho các đề án ý tưởng khởi nghiệp, các cấp Hội còn hướng dẫn thành lập các mô hình tổ liên kết giúp nhau phát triển kinh tế phù hợp với nhu cầu, điều kiện sống của hội viên phụ nữ tại địa phương như: mô hình “Tổ liên kết nấu ăn”, “Chuỗi liên kết sản phẩm sạch, an toàn, đặc sản Huế” (Đông Ba); các mô hình liên kết: sản xuất hương trầm (Thủy Xuân, Phước Vĩnh), Sản xuất dầu phụng sạch (Hương Long), Nghề bánh truyền thống (Hương Sơ), Ươm trồng và cung cấp cây giống (Tây Lộc), Sản xuất mứt gừng Huế (Thuận Hòa), Trồng và chăm sóc cây Bưởi Cốm, Thanh Trà (Hương Thọ); Giới thiệu sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ và sản phẩm bánh truyền thống của phụ nữ Huế”,... đến nay đã có hơn 40 mô hình liên kết phát triển kinh tế với 791 thành viên tham gia. Thông qua các mô hình liên kết đã giúp cho các thành viên có điều kiện để phối hợp hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/tháng. Có thể nói, việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động của các cấp Hội, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp các ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về cơ chế, chính sách, tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ được tham gia các diễn đàn học tập, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo động lực, truyền cảm hứng cho phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng. Bản thân mỗi chị em phụ nữ cần làm chủ bản thân, vươn lên để tự khẳng định mình, trở thành tấm gương phụ nữ tiêu biểu “Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” góp phần xây dựng Thành phố Huế ngày càng văn minh, giàu đẹp.