Nhằm đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư (CSDLQG) về Dân cư trong tổ chức thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), thay đổi thói quen, tâm lý của người hưởng BHXH bằng tiền mặt chuyển sang nhận qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, đúng đối tượng, ngày 27/5/2024, Ban Chỉ đạo thực hiện đề án 06 ban hành Công văn số 83/BCĐ-TĐKT về việc triển khai phát triển thanh toán không dùngtiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư.
Theo đó, BHXH tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, cập nhật tài khoản thanh toán trong chi trả BHXH không dùng tiền mặt trên nền CSDLQG về dân cư. Đối với UBND thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường thành lập Tổ công tác để rà soát, cập nhật tài khoản thanh toán trong chi trả BHXH không dùng tiền mặt trên nền CSDLQG về dân cư. Thực hiện phân loại, rà soát, xác minh, làm sạch dữ liệu trên cơ sở dữ liệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được BHXH Việt Nam chuyển cho Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an để chuyển đến Công an cấp xã trên Hệ thống CSDLQG về dân cư. Tổ công tác tiến hành phân loại thành 02 nhóm. Đối với dữ liệu đã trùng khớp, xác thực giữa CSDLQG về dân cư và cơ sở dữ liệu BHXH thì chủ động rà soát, cập nhật thông tin về tình trạng người hưởng, vận động chuyển hình thức nhận qua tài khoản. Đối với dữ liệu có sai khác, chưa xác thực giữa CSDLQG về dân cư và CSDL BHXH thì Tổ công tác phối hợp với cơ quan BHXH xác minh, cập nhật, làm sạch dữ liệu và vận động chuyển hình thức nhận qua tài khoản. Đồng thời phát huy hiệu quả của Tổ công nghệ số cộng đồng, tổ công tác Đề án 06 cấp xã, cấp thôn, tổ dân phố để trực tiếp thông tin, tuyên truyền giúp người hưởng BHXH và hưởng ứng thực hiện…
Việc triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả các chế độ BHXH không dùng tiền mặt; khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi số. Đồng thời góp phần vào công tác quản lý người hưởng BHXH, đảm bảo số tiền chi trả đúng người hưởng, nhanh chóng, kịp thời, hạn chế tình trạng trục lợi, tham nhũng.