12/06/2024

Hỏi về khai thác phát triển kinh tế ban đêm

Xin đặt câu hỏi đến TP Huế về việc khai thác phát triển kinh tế ban đêm: 1/ Thời gian qua, TP Huế đã có những giải pháp gì để đẩy mạnh kinh tế ban đêm theo kế hoạch của Chính phủ. 2/ Các phố đêm tại Huế (Phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu; phố đêm Hoàng Thành; phố đi bộ Hai Bà Trưng) đã vận hành một thời gian nhưng bộc lộ một số hạn chế. Đặc biệt, phố đêm Hoàng Thành khai thác văn hóa truyền thống hiện rất thưa thớt, gần như "chết yểu". Xin TP Huế cho biết thực trạng khó khăn khi vận hành, khai thác các phố đêm này? Thời gian tới địa phương sẽ có các giải pháp gì? Xin trân trọng cảm ơn./.

Trả lời của Cơ quan chuyên môn - 27/06/2024

Liên quan đến nội dung các câu hỏi trên, UBND thành phố trả lời quý báo như sau:

1. Thời gian qua, thành phố Huế đã có những giải pháp gì để đẩy mạnh kinh tế ban đêm theo kế hoạch của Chính phủ.

Trả lời:

Thực hiện Quyết định 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm đến thời điểm hiện nay, Thành ủy Huế đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16/12/2020, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 29 tháng 12 năm 2020 về Phê duyệt Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 1975/KH-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2021 về Triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16/12/2020 của Thành ủy Huế về Nghị Quyết của Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XII về phát triển du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế, với định hướng:        

- Phát triển du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế nhằm khai thác, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; góp phần thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng Huế trở thành đô thị theo hướng “Di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường...” Trong đó tập trung xây dựng hồ sơ:

+ Khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường.

 + Nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; tạo ra các điểm nhấn cho hoạt động du lịch, đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn theo các định hướng.

+ Hiện nay, Thành phố đã, đang tập trung nguồn lực để hình thành các hoạt động về đêm các sản phẩm du lịch  như sau:

a. Hình thành không gian đi bộ trải nghiệm:

- Tiếp tục đầu tư hạ tầng và tăng cường các dịch vụ phù hợp tại không gian đi bộ hai bờ sông Hương với hệ thống các công viên và tuyến đường đi bộ/xe đạp liên quan (công viên 3/2, công viên Phan Bội Châu, công viên Tứ Tượng, công viên Lý Tự Trọng, công viên Bùi Thị Xuân, công viên Phú Xuân, công viên Thương Bạc, công viên Kim Long, công viên Trinhh Công Sơn...). Đầu tư công viên cồn Dã Viên với đầy đủ tiện ích từ hạ tầng đến dịch vụ du lịch phục vụ du khách và người dân đi tản bộ, đạp xe trải nghiệm, thưởng ngoạn cảnh quan sông Hương, thưởng thức các hoạt động nghệ thuật trong nhà và ngoài trời.

- Nâng cao chất lượng hoạt động tuyến phố đi bộ hiện có: Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu; tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng.

b. Thí điểm phố đi bộ Hoàng Thành khu vực đường Lê Huân - đường 23/8, trên cơ sở đó để hoàn thành Đề án phố đi bộ khu vực Hoàng Thành theo định hướng mang đậm nét văn hóa truyền thống, giúp du khách khám phá sâu về các giá trị bản sắc văn hóa Huế

c. Ẩm thực và trải nghiệm về đêm tại: chợ đêm tại khu vực bến xe chợ Đông Ba, cụm tuyến đường quanh khu vực cầu Gia Hội (Huỳnh Thúc Kháng, Bạch Đằng, phố cổ Gia Hội), ẩm thực tại mặt tiền chợ Đông Ba, đường Nguyễn Văn Huyên, Phạm Hồng Thái… vừa góp phần quản lý trật tự đô thị hiệu quả, vừa quản lý, nâng cao chất lượng và tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân kinh doanh ẩm thực về đêm .

d. Hình thành các phố mua sắm văn minh thương mại tại các trục đường chính Lê Lợi, Hùng Vương, Bến Nghé, Lê Quý Đôn, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ, Đống Đa, Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu, Mai Thúc Loan,…

e. Hình thành sản phẩm du lịch đường sông: tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc dựa trên lợi thế của các tuyến sông Hương, sông Đông Ba, sông Ngự Hà, sông Thọ Lộc,…tiến tới hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo trên sông trên địa bàn Thành phố

f. Hoàn thiện và hình thành không gian trình diễn, giới thiệu nghề truyền thống tại Khu làng nghề đúc đồng Phường Đúc, trung tâm giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ tại 15 Lê Lợi, không gian sách 23-25 lê Lợi.

g. Về văn hóa, nghê thuật:

- Phát huy giá trị văn hóa Huế với phát triển du lịch về đêm, từng bước xây dựng Huế trở thành điểm đến hấp dẫn và giao lưu văn hóa.

- Kết hợp với các hoạt động ẩm thực về đêm, cùng với tổ chức các lễ hội, nghệ thuật đường phố, các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, ca nhạc quần chúng, ảo thuật, trò chơi dân gian, trình diễn áo dài,…

- Triển khai các khu vực sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật một cách đặc sắc, khoa học để đảm bảo tạo ra được sự đa dạng sản phẩm văn hóa phục vụ du khách. Khuyến khích các điểm di tích, bảo tàng văn hóa mở cửa về đêm để quảng bá giới thiệu khách tham quan, trải nghiệm.

* Để triển khai thực hiện các nội dung trên, Thành phố xác định:

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác phát triển Kinh tế ban đêm. Trong đó: chú trọng các quy chế, quy định, chính sách, an ninh, trật tự để phát triển Kinh tế ban đêm bền vững, an toàn.

- Đảm bảo các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại, du lịch tuân thủ pháp luật, không phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, không gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội.

- Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực của thành phố Huế và của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm phát triển Kinh tế ban đêm; khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh, các hộ gia đình cùng tham gia khai thác, đầu tư và phát triển;

- Xây dựng kinh tế đêm thực sự hấp dẫn, văn minh, hiện đại, sôi động, an toàn, trở thành sản phẩm du lịch có quy mô, sức cạnh tranh, khả năng thu hút khách, phù hợp với nhu cầu và xu hướng thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố;

-Tập trung xây dựng hồ sơ để sớm trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO với định hướng là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực - vốn được coi là “kho báu” của đất cố đô.

2. Các phố đêm tại Huế (Phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu; phố đêm Hoàng Thành; phố đi bộ Hai Bà Trưng) đã vận hành một thời gian nhưng bộc lộ một số hạn chế. Đặc biệt, phố đêm Hoàng Thành khai thác văn hóa truyền thống hiện rất thưa thớt, gần như "chết yểu".

Xin thành phố Huế cho biết thực trạng khó khăn khi vận hành, khai thác các phố đêm này?

Trả lời:

Dựa trên đặc điểm của từng tuyến phố đi bộ, hiện nay Thành phố Huế có những tuyến phố đi bộ:

- Tuyến phố cho việc tạo không gian cho người dân thoải mái đi lại là điều rất cần thiết, đó cũng chính là cách “thư giãn” tuyệt vời cho người dân vùng thành thị. Giúp họ nâng cao “văn hóa đi bộ” để rèn luyện sức khỏe, góp phần bảo vệ môi trường – tuyến phố công viên dọc hai bờ sông Hương

- Tuyến phố đi bộ phục vụ trải nghiệm chủ yếu là không gian mua sắm, ăn uống thoải mái cho du khách, họ không phải e dè khi đi giữa đường hoặc phải tránh xe cộ qua lại. Theo quan niệm này, việc xây dựng các phố đi bộ đồng nghĩa với việc quy hoạch tập trung các khu thương mại, dịch vụ và những giải pháp đa dạng hóa hình thức kinh doanh - tuyến phố Hai Bà Trưng và tuyến phố Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão và Võ Thị Sáu

- Tuyến phố chủ yếu trong việc phục vụ du khách trải nghiệm văn hóa, di tích  đời sống người dân, những khu vực có xu thế về cảnh quan kiến trúc đẹp, hấp dẫn, giàu tính văn hóa lịch sử địa phương thường được chú trọng để xây dựng thành những khu phố đi bộ để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách - Tuyến phố đi bộ Lê Huân - và đường 23 tháng 8 khu vực Hoàng Thành, tuyến phố dọc đường Nguyễn Đình Chiểu. Chức năng cơ bản của những phố đi bộ kiểu này chính là chức năng văn hóa, giải quyết nhu cầu "thưởng thức văn hóa" của người dân, yếu tố "đi bộ" trong mô hình này là yếu tố "văn hóa đặc trưng".

Trên cơ sở đặc thù của từng tuyến phố, UBND Thành phố đã xây dựng các đề án định hướng, với mục tiêu chính phù hợp với từng đặc trưng cho từng tuyến đường nêu trên.

Trong quá trình triển khai với những kết quả đạt được của các tuyến phố đêm trên địa bàn Thành phố, cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, Ban Quản lý các phố đi bộ nâng cao công tác quản lý, bám sát Đề án, Kế hoạch để xây dựng các quy chế, nội dung chương trình, kế hoạch hàng tuần phù hợp đặc thù của mỗi tuyến phố, trong đó chú ý:

Một là, tùy vào vị trí, thế mạnh của không gian đi bộ để tập trung quy hoạch định hướng, xác định đặc trưng, thế mạnh đó, ví dụ: phố đi bộ Hoàng Thành, chúng ta có thế mạnh về Đại Nội, các di tích, diện tích lớn ít xung đột giao thông với các trục đường; ở đây cần nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, trưng bày, triển lãm phù hợp mọi lứa tuổi; đặc sản ẩm thực hút khách du lịch. Ngoài ra, một số hoạt động kinh tế từ các cửa hàng kinh doanh của người dân dọc tuyến đi bộ và tại các vùng đệm cũng được khai thác. Khai thác văn hóa người dân, ẩm thực để tập trung phát triển và có chính sách hỗ trợ để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Không thể áp dụng rập khuôn mô hình phố đi bộ chung cho tất cả tuyến phố đi bộ được.

Hai là, Giải pháp triển khai và phát triển đồng bộ phố đi bộ, cần đáp ứng ba mục tiêu sau.

-Phố đi bộ cần đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực, …nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tôn trọng và tạo sự đồng thuận người dân, đặc biệt là người dân sinh sống khu vực phố đi bộ.

-Gìn giữ văn hóa truyền thống đặc trưng của từng khu vực, từng đô thị.

-Tích hợp các không gian cảnh quan thiên nhiên, như công viên, hồ nước, cụm di tích…, điều quan trọng nhất khi khai thác tuyến phố đi bộ, là quy hoạch và xác định đặc trưng, điểm mạnh riêng biệt của mỗi địa phương

Ba là,Đầu tư cơ sở hạ tầng, thổi hồn văn hóa, kết nối với người dân địa phương.

Thứ tư, Hiểu tâm lý khách du lịch, từ đó kết cấu, xây dựng các tuyến phố đi bộ hợp lý: "Đừng để du khách cảm thấy hụt hẫng ngay khi bước chân vào tuyến phố",  đồng thời quảng bá, truyền thông, kết nối các đơn vị lữ hành để thu hút khách du lịch đến các tuyến phố đi bộ. 

Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND Thành phố nhận thấy các khó khăn, tồn tại sau:

- Cần tạo sự đồng thuận của người dân, đặc biệt là người dân khu vực phố đi bộ;

- Chương trình, nội dung cho hoạt động phố đêm luôn luôn mới, hấp dẫn để thu hút khách du lịch, nhưng hiện nội dung này vẫn triển khai chưa hiệu quả;

- Chưa có sự đa dạng trong sản phẩm bày bán tại Phố đi bộ, đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, hàng lưu niệm … vẫn còn thiếu;

-Yếu tố ẩm thực là rất quan trọng, đòi hỏi có chất lượng, an toàn thực phẩm, phong phú hợp với tuyến phố đi bộ

- Sự tham gia của doanh nghiệp người dân trong triển khai các chương trình theo hướng xã hội hóa còn khó khăn

- Công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong điều kiện nguồn lực, nhân lực của địa phương còn mỏng phải thực hiện nhiệm vụ ban ngày, lại triển khai các hoạt độ tuyến phố vào ban đêm nên rất vất vả.

- Hạ tầng : điểm trong giữ xe, phân luồn giao thông… cũng là một trở ngại.

-Công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông còn thiếu tính chuyên nghiệp.

- Năng lực quản lý của Ban Quản lý phố đi bộ đều là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, thiếu tính chuyên nghiệp cũng là một hạn chế.

File đính kèm trả lời: 00.36.h575887ubndcntt2024pl2_signed.pdf


Các câu hỏi khác