Tăng cường giám sát phòng, chống bệnh Mác bớc
28/10/2024 5:20:52 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Bệnh Mác-bớc (Marburg) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Mác-bớc gây ra. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.

   Bệnh Mác-bớc có khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao 

   Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ cuối tháng 9/2024 Ru-an-đa (Rwanda) đã lần đầu tiên ghi nhận trường hợp bệnh Mác-bớc tại nước này. Đến 10/10/2024, đã ghi nhận tổng số 58 trường hợp mắc, trong đó có 13 trường hợp tử vong tại 07 trong số 30 quận của nước này, khoảng 70% trường hợp bệnh là nhân viên y tế. Bệnh Mác-bớc là bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao tới 50% và có thể lên tới 88%. Đến nay, bệnh chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu, hiện bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam.

   Các triệu chứng của bệnh Mác-bớc

   Bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người, ổ chứa tự nhiên của vi rút Mác-bớc là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus). Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi rút Mác-bớc có thể lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp (qua da bị trầy xước hoặc niêm mạc) với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...) hoặc với môi trường/vật dụng (ví dụ như khăn trải giường, quần áo) bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do vi rút Mác-bớc. Thời gian ủ bệnh của bệnh Mác-bớc (khoảng thời gian từ khi nhiễm vi rút đến khi xuất hiện triệu chứng) thay đổi từ 2 đến 21 ngày.

   Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, khó chịu nghiêm trọng, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy nặng, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn vào ngày thứ ba. Phát ban không ngứa có thể xuất hiện trong khoảng từ 2 đến 7 ngày sau khi khởi phát triệu chứng. Từ ngày thứ 5 của bệnh, bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện xuất huyết, bao gồm máu tươi trong chất nôn và phân, chảy máu từ mũi, nướu răng và âm đạo, có thể chảy máu ở cả các vị trí chọc tĩnh mạch (nơi tiếp cận tĩnh mạch để truyền dịch hoặc lấy mẫu máu). Bệnh có thể dẫn tới tử vong do mất máu nghiêm trọng và sốc trong khoảng 8 đến 9 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng. 

   Các biện pháp phòng bệnh Mác-bớc

   Đến nay, bệnh Mác-bớc vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, việc thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ mà cá nhân có thể thực hiện là một cách hiệu quả để giảm sự lây truyền giữa động vật sang người và giữa người với người. Cụ thể:

   Để giảm nguy cơ lây truyền từ dơi sang người phát sinh do tiếp xúc lâu dài với các mỏ hoặc hang động có đàn dơi ăn quả sinh sống, những người đến thăm hoặc làm việc trong các mỏ hoặc hang động có đàn dơi ăn quả sinh sống nên đeo găng tay và các loại quần áo bảo hộ thích hợp khác (bao gồm cả khẩu trang). Trong thời gian bùng phát dịch bệnh, tất cả các sản phẩm từ động vật (máu và thịt) phải được nấu chín kỹ trước khi tiêu thụ.

   Để giảm nguy cơ lây truyền từ người sang người thì người dân nên tránh tiếp xúc gần với người bệnh Mác-bớc. Hạn chế đến những khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc đang có dịch. Thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như mặc áo bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang, mắt kính, rửa tay thường xuyên,… nếu tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. 

Huỳnh Thị Ly (Phòng Văn hóa & Thông tin TP Huế)