Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
19/09/2024 3:44:33 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023. Đây là chính sách nhân văn, nhằm tạo điều kiện giúp những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
   Giải ngân hộ vay vốn tại Điểm giao dịch phường, xã
 
   Ngay khi quyết định được ban hành, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố (NHCSXH) đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành văn bản để chỉ đạo UBND cùng với công an phường, xã rà soát tất cả các trường hợp đã chấp hành xong án phạt trù trong vòng 5 năm, về lại sinh sống tại địa phương đã, đang và sẽ có phương án làm ăn, có nhu cầu vay vốn để cải thiện cuộc sống, bên cạnh đó NHCSXH phối hợp với các ban ngành, tổ chức chính trị – xã hội làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách mới này đến với người dân, đặc biệt là đến với các đối tượng thụ hưởng, đồng thời chỉ đạo các cán bộ tín dụng phối hợp với Hội đoàn thể, Tổ TK&VV, Tổ dân phố cùng thực hiện khảo sát nhu cầu vay vốn đến từng đối tượng theo danh sách cơ quan công an phường, xã cung cấp để làm căn cứ xây dựng kế hoạch vốn,  nắm bắt tình hình để hướng dẫn thủ tục, bình xét cho vay kịp thời phù hợp nhu cầu của phương án làm ăn và đảm bảo đúng quy định. Đến nay (18/9/2024), NHCSXH đã thực hiện giải ngân cho 14 trường hợp với tổng số tiền là 1.250 triệu đồng, và đang kiểm tra xem xét phê duyệt cho 4 trường hợp với số tiền 400 triệu đồng, dự kiến giải ngân đến cuối tháng 9/2024.
   Qua kiểm tra, nguồn vốn vay không chỉ giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo điều kiện tăng thu nhập ổn định, nâng cao cuộc sống cho hộ gia đình. Điển hình như sau
   - Ông Lê Quang Vinh, tổ 7 phường Hương Long bùi ngùi tâm sự: Ông có người em trai là L.Q.M sau khi chấp hành xong án phạt tù ngày 01/9/2023, sau khi ra tù không có công ăn việc làm ổn định, bản thân ông cũng không có vốn để đầu tư cho e trai, ông rất lo lắng về công viêc làm ăn cho người em trai sau này. Sau khi biết được thông tin về tín dụng chính sách cho người chấp hành xong án phạt tù, ông rất vui mừng đến tại trụ sở NHCSXH để hỏi cụ thể ra sao và được cán bộ tín dụng NHCSXH hướng dẫn tận tình, đồng thời CBTD cũng đã trực tiếp phối hợp cùng với công an phường, chính quyền địa phương, Hội đoàn thể và Tổ TK&VV hỗ trợ và tạo điều kiện hết sức về thủ tục vay vốn để gia đình được tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất. Ngày 18/7/2024, ông được NHCSXH giải ngân với số tiền là 70 triệu đồng và đã mở quán bán café cho người e trai ngay tại nhà. Hiện nay thu nhập rất ổn định, đảm bảo khả năng trả nợ theo cam kết, tiết kiệm dành dùm được một phần và còn phụ giúp thêm cho ông Vinh trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình.
   - Tương tự, chị Lê Thị Ly, tổ 3 phường Tây Lộc, đứng tên vay cho chồng là anh P.V. H. D, được cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù từ ngày 09/5/2024. Ngày 19/7/2024 sau khi làm thủ tục được Tổ bình xét và được NHCSXH phê duyệt cho vay với số tiền là 100 triệu đồng, mục đích để mở quán rửa xe ô tô. Sau khi hoạt động, quán ngày càng có nhiều khách hàng thường xuyên, bạn bè hay người quen đều đến ủng hộ. Đến nay, thu nhập từ dịch vụ rửa xe rất ổn định, đảm bảo khả năng trả nợ hàng tháng và phụ giúp cho chị lo cho các con ăn học và trang trải chi phí cuộc sống của gia đình, chị Ly rất vui mừng tâm sự.
Thực hiện Quyết định 22/QĐ-TTg, Ngân hàng hàng Chính sách xã hội (thành phố Huế) đã tạo điều kiện cho 14 người chấp hành xong án phạt tù được vay, với tổng dư nợ gần 1,3 tỷ đồng - Ảnh: Mô hình quán café và dịch vụ rửa xe ôtô
 
   Trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành có liên quan thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi từ chương trình người chấp hành xong án phạt tù để chủ động xây dựng kế hoạch nguồn vốn giải ngân nhằm đảm bảo tất cả những khách hàng có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
   Công tác tái hoà nhập cộng đồng vừa là hoạt động quản lý Nhà nước vừa là hoạt động mang tính xã hội, là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội… trong đó, NHCSXH  giữ vai trò nòng cốt trong việc cung cấp vốn tín dụng ưu đãi để người chấp hành xong án phạt tù yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chính quyền mỗi địa phương giữ vai trò quan trong trong việc tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận được nguồn vốn. Công tác này góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Ngân hàng Chính sách xã hội - Hội Sở TT Huế
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>