CÔNG ĐIỆN về việc ứng phó với bão NORU và mưa lớn diện rộng
24/09/2022 10:56:59 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Sáng 24/9/2022, Chủ tịch UBND thành phố Huế có Công điện số 01/CĐ-UBND về việc ứng phó với bão NORU và mưa lớn diện rộng.
   Theo bản tin cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 07 giờ ngày 24/9, vị trí tâm bão Noru vào khoảng 16,5 độ Vĩ bắc, 128,3 độ Kinh đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 710km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11.
   Do ảnh hưởng của bão, từ trưa và chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0 đến 6,0m; biển động mạnh. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Thừa Thiên Huế, gây ra gió mạnh, sóng lớn kèm nước dâng do bão và mưa lớn, có nguy cơ ngập úng vùng thấp trũng, ngập úng các khu đô thị.
   Thực hiện Công điện số 29/CĐ-QG hồi 9 giờ 00 ngày 24/9/2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Công điện số 04/CĐ-PCTT hồi 9 giờ 30 ngày 24/9/2022 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Để chủ động ứng phó và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu:
   1. Các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, mưa lũ, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng (Hue-S, Facebook, Website của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh). Không lơ là, chủ quan, trước mọi tình huống thiên tai.  
   2. Tổ chức thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm được cập nhật theo các bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia.
   3. Các cơ quan, đơn vị và địa phương:
 - Khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các cụm công nghiệp; cắt tỉa cây xanh; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh; đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công; hệ thống thông tin liên lạc, các cột anten trên địa bàn; hệ thống pano, áp phích. Chú ý các điều kiện an toàn, phòng chống tai nạn thương tích khi gia cố nhà ở, các công trình.
 -  Rà soát, có phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm, ngập úng đô thị: Các vùng ven biển, cửa sông, ven sông ven sông suối; sông Tả Trạch đoạn qua xã Thủy Bằng; khu vực ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.
   4. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp với các địa phương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương: Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn.
   5. Phòng Y tế phối hợp Trung tâm Y tế thành phố hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu; hướng dẫn các địa phương đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán.
   6. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn cơ sở giáo dục, trường học; Theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lớn để chủ động chỉ đạo các trường nghỉ học đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên.
   7. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố tăng cường thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến về diễn biến bão và tình hình mưa lũ để các tổ chức, đơn vị, nhân dân chủ động phòng tránh.
   8. Trung tâm Phát triển Cụm Công nghiệp thành phố chủ động theo dõi tình hình diễn biến mưa bão để thông báo, chỉ đạo các chủ doanh nghiệp kiểm tra chằng chống, bảo vệ tài sản, nhà xưởng phòng tránh lốc, gió mạnh tại các cụm công nghiệp do Trung tâm quản lý.
   9. Phòng Kinh tế thành phố  
 - Phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Thuận An và Hải đội 2 - Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, UBND các phường, xã ven biển quản lý các tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn tại bến, các khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo; Gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thuỷ sản, các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi gió mạnh, mưa lũ lớn. 
 - Phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, vật tư, thiết bị theo Kế hoạch của thành phố.
   10. Phòng Quản lý Đô thị thành phố:
 - Triển khai thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các nhà ở, nhà cao tầng, tháp viễn thông, cột ăng ten, nhà máy, công trình, công trường đang thi công (nhất là giàn giáo, cần trục tháp, nhà cao tầng), chung cư cũ xuống cấp, công trình ngầm trước khi mưa bão xảy ra.
 - Chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất; đảm bảo an toàn công trình kiểm tra phương án chống va trôi đảm bảo công trình vùng hạ du, bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang. 
   11. Công an thành phố, Phòng Quản lý Đô thị thành phố rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông. 
   12. Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố và các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
   13. Hạt Kiểm lâm thành phố phối hợp bảo đảm an toàn cho các Trạm kiểm lâm miền núi, phòng tránh lũ quét, sạt lở đất.
   14. Trung tâm Công viên Cây xanh thành phố chủ động rà soát, cắt tỉa cây xanh ngã, đỗ để đảm bảo an toàn giao thông và tính mạng, tài sản của người dân.
   15. Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế chủ động kiểm tra, khơi thông dòng chảy các cống, rãnh thoát nước, tránh ngập úng cục bộ.
   16. Lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn đã được phân công.
   Yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai ngay các công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru; tổ chức trực ban nghiêm túc sẵn sàng ứng phó với bão Noru và thường xuyên báo cáo về Phòng Kinh tế thành phố (Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN thành phố) để theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kịp thời để chỉ đạo./.
Văn phòng HĐND – UBND thành phố Huế