Ông Trương Đình Hạnh – Phó Chủ tịch UBND Thành phố và ông Daniel Herrman - Cố vấn Trưởng, Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa Thuận Paris II (VN-SIPA II), Trưởng phòng Chính sách Khí hậu, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ đồng chủ trì hội thảo.
Về phía Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) có ông Daniel Herrman - Cố vấn Trưởng, Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa Thuận Paris II (VN-SIPA II), Trưởng phòng Chính sách Khí hậu, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ. Về phía Tổ chức HealthBridge Canada có bà Trần Kiều Thanh Hà - Quản lý chương trình Thành phố sống tốt tại Việt Nam).
Dự hội thảo có đại diện Lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Văn hóa và Thể thao, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Ngoại vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế. Đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Viện Nghiên cứu Phát triển Tỉnh, Viện Quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng), Công an tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Tỉnh, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Tỉnh…. Các cơ quan, đơn vị liên quan của Thành phố; đại diện các cơ quan thông tin, báo chí Trung ương và địa phương dến dự và đưa tin cho hội thảo.
Hướng tới xây dựng Huế trở thành một trong những thành phố xe đạp đầu tiên của Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Đình Hạnh – Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: “Nhằm xây dựng một lộ trình triển khai với sự phối hợp đa ngành chặt chẽ các đơn vị liên quan; có cơ chế huy động vốn và hệ thống chỉ tiêu đánh giá rõ ràng, để tạo dựng môi trường an toàn và thuận tiện cho xe đạp; hướng tới xây dựng Huế trở thành một trong những thành phố xe đạp đầu tiên của Việt Nam; UBND thành phố Huế với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Tổ chức HealthBridge Canada đã xây dựng bản Kế hoạch tổng thể phát triển giao thông xe đạp thành phố Huế. Đây cũng là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án Xây dựng Thí điểm Hệ thống Xe đạp Chia sẻ Công cộng thành phố Huế của (GIZ), do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ thông qua chương trình DeveloPPP.
Huế là nơi có nhiều cơ hội tuyệt vời cho các chuyến tham quan bằng xe đạp; qua đó kích cầu du lịch, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn
Việc tổ chức cuộc Hội thảo tham vấn nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển giao thông xe đạp thành phố Huế. Đây là một hoạt động tiếp nối Cuộc họp tham vấn lần 1 cho bản Dự thảo, đã được tổ chức vào tháng 6 vừa qua. Tại cuộc họp tham vấn lần 1, Ban tổ chức đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp quan trọng từ đại diện các Sở ngành của Tỉnh và các đơn vị của Thành phố, các tổ chức, chuyên gia... Trên cơ sở các ý kiến đóng góp quý báu đó, nhóm chuyên gia của dự án đã nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện bản Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển giao thông xe đạp thành phố Huế để trình bày tại Hội thảo của chúng ta ngày hôm nay”.
Nhiều thuận lợi
Bản dự thảo được xây dựng với việc khảo sát ở quy mô lớn, đánh giá tình trạng sử dụng xe đạp ở Huế, những thuận lợi và khó khăn trong phát triển giao thông xe đạp, mức độ phát triển xe đạp. Tầm nhìn đến năm 2030, Huế sẽ là thành phố xe đạp đầu tiên của Việt Nam. Mục tiêu nhằm cải thiện môi trường giao thông, đảm bảo người dân và du khách ở mọi lứa tuổi có thể di chuyển an toàn, thoải mái và thuận lợi bằng xe đạp; chuyển đổi phương thức đi lại trong đô thị, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các phương tiện giao thông cơ giới cá nhân.
Về hạ tầng, dự thảo kế hoạch đưa ra các làn xe đạp tách riêng, có bảo vệ; làn xe đạp phân tách bằng vạch sơn; xe đạp đi chung, có biện pháp an toàn; mạng lưới xe đạp; các tuyến đường xe đạp chính...
Lãnh đạo Tỉnh, Thành phố đạp xe hưởng ứng Ngày Xe đạp thế giới (03/6) năm 2023
Được biết, trong nhiều năm qua, thực hiện Nghị quyết số 54/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thành phố Huế đã có những cam kết và hành động mạnh mẽ thể hiện quyết tâm góp phần xây dựng mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Về giao thông, thành phố Huế đang có những định hướng phát triển một hệ thống giao thông “xanh”, “sạch”, hiệu quả, an toàn, thân thiện với con người và môi trường, giảm phát thải và không ô nhiễm. Bên cạnh việc định hướng phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, thành phố sẽ phát triển giao thông xe đạp như một loại hình giao thông xanh và an toàn, phù hợp bảo tồn di sản và bảo vệ cảnh quan du lịch cho thành phố Huế, xây dựng hình ảnh Huế là đô thịxanh, thân thiện, và an toàn.
Ngày 05/6/2022, UBND thành phố Huế phối hợp với Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Công ty Cổ phần Vietsoftpro Khai trương mô hình thí điểm hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng
Thực tế cho thấy, Huế có nhiều lợi thế khi là một trong những địa phương có bước đầu tương đối thành công trong việc hình thành một thành phố xe đạp có nét tương đồng với các thành phố xe đạp trên thế giới. Trong những năm qua, với sự nỗ lực từ quan điểm đến hành động xuyên suốt, TP. Huế đã hình thành cơ sở hạ tầng giao thông dành cho xe đạp bài bản. Người dân có các cung đường đạp xe an toàn, đẹp, chan hòa với thiên nhiên; các cuộc thi đạp xe chuyên nghiệp và phong trào thu hút đông đảo thành phần tham gia; người dân đã sở hữu xe đạp nhiều hơn, văn hóa đạp xe cũng đang dần hình thành trong cộng đồng dân cư Huế.
Với mục tiêu hướng đến phát triển giao thông xanh cho thành phố Huế và sự phát triển bền vững của Huế - Thành phố du lịch sạch ASEAN, Thành phố Festival của Việt Nam, UBND thành phố luôn quan tâm và hiện nay đang phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước xây dựng mô hình để dần chuyển đổi sang các phương thức vận tải thân thiện với môi trường (xe đạp chia sẻ), xe điện...; tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng các tuyến đường dạo dọc sông kết hợp xe đạp thân thiện với môi trường.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trương Đình Hạnh trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo
Nhiều ý kiến góp ý tâm huyết
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, trao đổi và thống nhất về những nội dung chính của bản kế hoạch tổng thể như: Tầm nhìn, mục tiêu, các giải pháp xây dựng mạng lưới đường xe đạp, cải thiện an toàn cho người đi xe đạp, phát triển hệ thống xe đạp công cộng cũng như lô trình và nguồn lực thực hiện kế hoạch. Sau khi thu nhận ý kiến góp ý của các đại biểu; các chuyên gia của Tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam (HBV), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và các cơ quan, đơn vị của Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh “Kế hoạch tổng thể phát triển giao thông xe đạp tại thành phố Huế”. Dự kiến Kế hoạch sẽ được trình và phê duyệt vào tháng 11 năm 2023, qua đó tạo cơ sở cho việc triển khai, thực hiện Kế hoạch vào năm 2024.
Phong trào đi xe đạp đang lan tỏa mạnh mẽ ở thành phố Huế, hướng đến xe đạp là phương tiện lý tưởng cho xu hướng giao thông “xanh” và sự phát triển bền vững của Huế - Thành phố Du lịch sạch ASEAN...
Qua đó, góp phần cải thiện môi trường giao thông nhằm đảm bảo người dân và du khách ở mọi lứa tuổi có thể di chuyển an toàn, thoải mái và thuận lợi bằng xe đạp. Khuyến khích người dân và du khách sử dụng phương tiện xe đạp di chuyển trong thành phố vì môi trường và cải thiện sức khỏe của mọi người dân. Xây dựng hình ảnh thành phố Huế xanh, sạch, đẹp, an toàn và có điều kiện sống tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; hướng đến thành phố Huế “xanh”, thân thiện với môi trường, thành phố du lịch, trong lành, một đô thị di sản xứng tầm quốc gia, phát triển bền vững...