Ngày 26/9/2022, UBND thành phố Huế ban hành Công văn số 7291/UBND-PCCN chỉ đạo chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy.
Công văn nêu rõ, trong thời gian qua, để triển khai thực hiện Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đối với UBND các phường, xã thuộc thành phố Huế, thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Công an thành phố, qua công tác kiểm tra đã phát hiện nhiều tồn tại, thiếu sót; nhiều địa phương quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy tại địa bàn thiếu chặt chẽ. Một số phường, xã chưa quan tâm đúng mức, chưa chỉ đạo các bộ phận trực thuộc và huy động sự vào cuộc của các đoàn thể trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy; còn giao khoán công tác này cho lực lượng công an cơ sở; việc triển khai các chỉ đạo của UBND thành phố còn chậm; việc phối hợp, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, kỹ năng về PCCC&CNCH cho người dân tại địa bàn khu dân cư chưa được đẩy mạnh; chưa thành lập đoàn kiểm tra liên ngành công tác phòng cháy chữa cháy, chưa tổ chức kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy…
Để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trên địa bàn, UBND Thành phố yêu cầu UBND các phường, xã khẩn trương tiến hành rà soát các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố chưa triển khai; tổ chức quán triệt, xây dựng văn bản chỉ đạo, triển khai đến toàn thể các ban ngành, tổ chức, đoàn thể liên quan và lực lượng nòng cốt cơ sở để thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy; thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy kết hợp với phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố yêu cầu UBND các phường, xã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở theo phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và theo quy định khoản 2, Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ đối với các cơ sở vi phạm quy định tại điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
Thành lập các đoàn kiểm tra để tuyên truyền, vận động, kiểm tra khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; đảm bảo định kỳ hàng năm 100% các hộ gia đình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh được kiểm tra cam kết về PCCC. Đảm bảo 100% hộ gia đình kiểm tra cam kết về phòng cháy chữa cháy (hoàn thành trước ngày 25/9/2022). Tiếp tục tăng cường rà soát các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh cơi nơi, xây dựng rào chắn “chuồng cọp”, không có lối thoát nạn thứ 2 và việc xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang an toàn phòng cháy chữa cháy.
Đối với các phường, xã có rừng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức như: Các buổi họp dân, tuyên truyền lưu động, tập huấn, hội nghị… Củng cố, xây dựng lực lượng PCCC&CNCH cơ sở, dân phòng vững mạnh thông qua việc đảm bảo biên chế, duy trì tốt chế độ tuần tra, canh gác, bảo vệ, thường trực sẵn sàng chữa cháy để kịp thời phát hiện, xử lý khi có sự cố cháy rừng, đồng thời trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ, đảm bảo các chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy; bố trí các biển cấm lửa, cảnh báo cháy xung quanh khu vực rừng.