Tiếp nhận hơn 200 đầu sách do gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân trao tặng
05/07/2024 11:27:21 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Sáng 05/7/2024, tại đường Nguyễn Lân, phường Thuỷ Vân, UBND thành phố Huế tổ chức Lễ tiếp nhận sách do gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân trao tặng.
   Lãnh đạo thành phố Huế tiếp nhận sách do gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân trao tặng 
 
   Tham dự có các Đồng chí: Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương; Phan Thiên Định - UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Huế; Võ Lê Nhật -  Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Huế; đại diện Lãnh đạo các sở ban ngành và đại diện gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân.
UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Huế Phan Thiên Định phát biểu tại buổi lễ
 
   Phát biểu tại buổi lễ, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Huế Phan Thiên Định nhấn mạnh: “Sinh thời cố Giáo sư Nguyễn Lân đã dành nhiều thời gian cho việc viết văn, nghiên cứu và biên soạn sách liên quan đến giáo dục và từ điển nhằm gìn giữ, phát triển tiếng Việt. Không những vậy Ông còn có công sinh thành dưỡng dục con cái trở thành những người con ưu tú, những nhà khoa học lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Nguyễn Lân có thể đúc kết thành những bài học quý giá về nhân cách người thầy, người làm khoa học, nhà văn hoá với những tư tưởng có sức mạnh vượt thời gian; gia đình ông là tấm gương sáng của một dòng họ lớn ở Việt Nam. Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học, công nghệ. Với những đóng góp của Ông, ngày 7/12/2023, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết 31 đặt tên đường Nguyễn Lân cho tuyến đường nằm trên địa bàn phường Thuỷ Vân, thành phố Huế”.
Đại diện gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân phát biểu tại buổi lễ
 
   Tuyến đường Nguyễn Lân (giao với đường Lê Đức Anh) với quy mô rộng 36m, dài 400m, vuông góc với trục đường liên vùng rộng 60m (đường Lê Đức Anh), tiếp giáp khu đô thị mới Eco garden; trong thời gian tới, khi thực hiện đầy đủ quy hoạch, tuyến đường sẽ có một trường học và nối liền với các vùng đô thị trung tâm thành phố.
 
   Nhân chuyến thăm và làm việc tại Huế, tại không gian của tuyến đường Nguyễn Lân, gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân đã trao tặng cho thành phố Huế hơn 200 đầu sách do giáo sư Nguyễn Lân và các thành viên trong gia đình biên soạn. Đây là món quà ý nghĩa đối với thành phố, trong bối cảnh thành phố đang kêu gọi xây dựng không gian thư viện sách nhằm hình thành thư viện sách Huế để hiện thực chủ trương, mong muốn xây dựng không gian “Ngôi nhà văn hoá Huế”.
 
   Nhà văn, nhà giáo (giáo sư) Nguyễn Lân (sinh năm 1906 - mất năm 2003), quê ở làng Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào (nay là phường Phùng Chí Kiên, thị xã Mỹ Hào), tỉnh Hưng Yên.
   Từ năm 1935 đến năm 1945, ông sinh sống tại Huế và giảng dạy tại các trường các trường Khải Định (nay là trường Quốc Học), Đồng Khánh (nay là trường Hai Bà Trưng) và Bách Công (nay là trường Cao đẳng Công nghiệp).
   Thực hiện Chỉ dụ số 78, ngày 24/5/1945 của vua Bảo Đại, ông Nguyễn Lân, tức nhà văn Từ Ngọc, đang là Giáo sư Trường Trung học Khải Định, lãnh chức Đốc lý thành phố Thuận Hóa. Ông là người Việt đầu tiên được cử làm Đốc lý của thành phố Thuận Hóa (trước đó, chỉ do người Pháp đảm nhận).
   Chương trình hành động công khai của ông với nhân dân thành phố có thể xem như bản quy ước ứng xử văn hóa đầu tiên của Huế với nhiều giải pháp và chính sách tiến bộ như: Tẩy trừ các dấu vết của người Pháp (đổi tên các đường phố từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, sửa lại đài trận vong tướng sĩ thành một đài kỷ niệm ngày tuyên bố độc lập); bài trừ nạn cờ bạc, chợ đen, ăn mày, hối lộ; tổ chức lại ngạch cảnh sát để giữ gìn trận tự; chăm lo việc vệ sinh chung; lập một hội đồng, gồm có những người nhiệt tâm ở các giới để đóng góp xây dựng thành phố; kiểm soát việc đánh thuế chợ cho công bằng; vận động thanh niên dùng thì giờ rảnh làm các công việc công ích...
   Từ sau Cách mạng tháng Tám thành công cho đến khi nghỉ hưu, giáo sư tiếp tục được mời đảm nhiệm nhiều vị trí công việc quan trọng trong việc chấn hưng nền giáo dục Việt Nam như: Uỷ viên giáo dục tỉnh Thừa Thiên, Giám đốc học chánh Trung bộ, Chủ tịch Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Trung bộ, Giám đốc Giáo dục Liên khu 10, Giám đốc Giáo dục Liên khu Việt Bắc… 
Thái Hùng (Văn phòng HĐND – UBND thành phố Huế)