Thành phố Sơn La đến học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số, triển khai và vận hành dịch vụ đô thị thông minh tại thành phố Huế
02/11/2022 5:15:59 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Ngày 02/11/2022, đoàn công tác của Thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) do đồng chí Hà Trung Chiến – UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sơn La làm Trưởng đoàn đã đến học tập, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số và vận hành dịch vụ đô thị thông minh tại thành phố Huế. Đón tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Phan Thiên Định - UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Huế; Võ Lê Nhật - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế; cùng Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan.
   Việc Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh của Huế đã bắt đầu từ những năm 2000 bằng việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu về đất đai; dữ liệu về hạ tầng đô thị... Hiện nay, thành phố Huế đã và đang đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh với nhiều mục đích, ý nghĩa to lớn, đưa thành phố Huế phát triển một cách toàn diện, “thông minh”, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Huế - Thành phố “thông minh”, cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”…
   Về chuyển đổi số, UBND thành phố Huế từ sớm đã hướng dẫn UBND các xã, phường nhập danh sách Tổ công nghệ số cộng đồng lên phần mềm https://sohoa.thuathienhue.gov.vn/tocns; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn trực tuyến kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng (353 Tổ với 1.544 thành viên). Thực hiện khảo sát thực trạng và nhu cầu chuyển đổi số 5 phường thí điểm theo mô hình “phường thông minh” bao gồm: Phú Nhuận, Thủy Biều, Phú Hội, Thuận Hòa và Tây Lộc. Đã triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến cho lớp 1 và lớp 6 năm học 2022 - 2022. Đồng thời xây dựng dự thảo Đề án lớp học thông minh trình UBND thành phố Huế phê duyệt. Tổ chức đối thoại Chuyển đổi số giữa lãnh đạo UBND thành phố Huế với thanh niên trên địa bàn thành phố năm 2022.
   Về phát triển chính quyền số, thành phố Huế đã phối hợp triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng tỉnh Thừa Thiên Huế; triển khai phòng họp không giấy tờ; duy trì hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cấp thành phố, xã, phường; hệ thống thong tin giải quyết thủ tục hành chính; Cổng thông tin điện tử thành phố; thư điện tử và thệ thống thông tin báo cáo. Duy trì có hiệu quả Công thông tin điện tử thành phố Huế để cung cấp các văn bản chỉ đạo điều hành, thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại cơ bản đã đáp ứng yêu cầu kết nối, đã kết nối liên thông với UBND Tỉnh, các Sở, ban ngành trong Tỉnh; đảm bảo việc triển khai các phần mềm dùng chung của Tỉnh và các phần mềm chuyên ngành của đơn vị. 100% các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và UBND 36 xã, phường đã áp dụng chữ ký số trong văn bản điện tử.
   Về phát triển xã hội số, hệ thống cáp quang, internet, wifi đã được triển khai rộng khắp trên toàn thành phố Huế; đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không dùng tiền mặt. Thành phố Huế cũng đang phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân thực hiện khởi tạo tài khoản ví điện tử trên Hue-S (hoàn toàn miễn phí) để thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa không dùng tiền mặt.
Các tiểu thương tại chợ Đông Ba - thành phố Huế hưởng ứng chương trình thúc đẩy thanh toán số với Hue-S
 
   Về đô thị thông minh, thường xuyên duy trì hoạt động hệ thống camera giám sát tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của 36 xã, phường trên địa bàn thành phố. Đã sớm lắp đặt hệ thống camera giám sát đô thị tại 15 vị trí với 42 camera, đáp ứng được các nhu cầu về tra cứu biển số xe, tra cứu gương mặt phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh tại các vị trí trọng yếu của Thành phố. Đang tiến hành triển khai lắp đặt 7 camera giám sát tại 4 vị trí cửa ngõ của thành phố Huế để phục vụ công tác giám sát, tổ chức điều hành giao thông và đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.
   Song song với đó, dự án xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh và dự án thí điểm Hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng đang được triển khai tốt.
   Ngoài ra, thành phố Huế đã ứng dụng mạnh mẽ, đột phá về công nghệ thông tin, kể cả các trang mạng xã hội nhằm nắm bắt thông tin và chỉ đạo kịp thời các công việc phát sinh rất hiệu quả, nhất là trong phòng chống dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ vừa qua. Sắp tới sẽ hình thành “Bảo tàng số” ở Huế với quy mô lớn…
   Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) Thừa Thiên Huế - “trái tim” của đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế cũng đã triển khai rộng khắp các dịch vụ, tiện ích trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung lớn ở thành phố Huế, giúp điều hành đô thị một cách thông minh, nhanh chóng, hiệu quả, hiện đại...
Đồng chí Võ Lê Nhật - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế chia sẻ về các kinh nghiệm, thực tiễn, khó khăn trong xây dựng, cách tổ chức thực hiện, vận hành, quản lý chính quyền điện tử, đô thị thông minh...
 
  Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Huế đã chia sẻ với đoàn công tác của thành phố Sơn La về các kinh nghiệm, thực tiễn, khó khăn trong xây dựng, cách tổ chức thực hiện, vận hành, quản lý chính quyền điện tử, đô thị thông minh...
   Kết thúc buổi làm việc, đại diện đoàn công tác của thành phố Sơn La bày tỏ cám ơn sâu sắc đến lãnh đạo thành phố Huế đã thẳng thắn chia sẻ, trao đổi. Đây là những kinh nghiệm quan trọng để thành phố Sơn La xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số một cách thành công.
   * Sau buổi làm việc, các đồng chí trong đoàn công tác của thành phố Sơn La đã tham quan, học tập thực tế Phòng giám sát điều hành thành phố Huế...
Thái Hùng (Văn phòng HĐND – UBND thành phố Huế)