Quyết tâm vì mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố Huế
18/09/2023 5:25:00 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo, thành phố Huế triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu giảm gần 400 hộ nghèo trong năm 2023.
   Thông qua chương trình ký kết hợp tác giữa thành phố Huế và huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), các doanh nghiệp ở Bình Dương đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 02 nhà “Đại đoàn kết” cho 02 hộ nghèo ở phường Xuân Phú và phường Đông Ba - thành phố Huế vào ngày 24/8/2023
 
   Xây dựng phương án thoát nghèo
   Là đô thị trung tâm, đặc biệt từ sau khi mở rộng địa giới hành chính thành phố (với việc sáp nhập thêm 13 phường, xã), số hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn thành phố Huế tăng lên, trong đó số hộ nghèo là 1.392 hộ (4.033 khẩu nghèo), hộ cận nghèo 2.394 hộ (8.068 khẩu). Để triển khai thực hiện công tác GNBV năm 2023, UBND thành phố Huế yêu cầu UBND các xã, phường xây dựng phương án thoát nghèo cụ thể theo địa chỉ cho từng hộ nghèo trên cơ sở chỉ tiêu của tỉnh, thành phố giao; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ trì triển khai các dự án (DA), tiểu DA thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV trên địa bàn kịp thời xây dựng kế hoạch giải ngân kinh phí, đảm bảo tiến độ.
   Đến nay, 100% xã, phường đều ban hành kế hoạch, xây dựng phương án thoát nghèo chi tiết đến từng hộ gia đình trên cơ sở mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo; đồng thời rà soát nhu cầu hỗ trợ của người nghèo về vốn, học nghề, tạo việc làm… để thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
   Hiện, thành phố đang triển khai chính sách hỗ trợ người nghèo/hộ nghèo, người cận nghèo/hộ cận nghèo về giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm. Từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm cho 2.351 lao động, trong đó có 30 lao động thuộc hộ nghèo, 1.437 lao động hộ cận nghèo; 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; 197 đối tượng được đào tạo nghề.
   Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ nghèo, cận nghèo cũng được các ban ngành Thành phố quan tâm. Theo số liệu tổng hợp của Bảo hiểm xã hội tỉnh, từ đầu năm đến nay tổng kinh phí cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố Huế đạt trên 6 tỷ đồng.
   Chính sách hỗ trợ nhà ở cũng được thành phố Huế triển khai trên toàn địa bàn. Từ đầu năm đến nay, từ nguồn vận động từ Quỹ “Vì Người nghèo”, Ủy ban MTTQVN thành phố Huế đã hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho 17 hộ nghèo với tổng số tiền 320 triệu đồng. Cũng từ nguồn vận động từ Quỹ “Vì Người nghèo”, Ủy ban MTTQVN thành phố đã hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho 60 hộ nghèo với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng cho các trường hợp đã đề nghị xây dựng, sửa chữa trong năm 2022 nhưng chưa được hỗ trợ. Ngoài ra, thành phố Huế cũng đẩy mạnh chính sách tín dụng ưu đãi nhằm giúp hộ nghèo phát triển kinh tế.
   Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Chính sách xã hội, riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã giải quyết cho vay gần 3.339 hộ nghèo và các đối tượng chính sách với doanh số cho vay gần 164 tỷ đồng.
Trao tặng Thẻ BHYT cho các hộ mới thoát nghèo tại phường Đông Ba
 
   Quyết tâm cao
   Trên cơ sở chỉ tiêu phân bổ giảm hộ nghèo của tỉnh giai đoạn 2022-2025, thành phố Huế đã phân bổ chỉ tiêu phấn đấu giảm hộ nghèo theo từng xã, phường cụ thể từng năm trong suốt giai đoạn 2022-2025.
   Theo Lãnh đạo UBND thành phố Huế, sắp tới thành phố Huế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong GNBV; phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
   Qua đó, triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo; lồng ghép và thực hiện có hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tập trung giải quyết thiếu hụt các chỉ số về nhà ở, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt… để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
   Đồng thời, tiếp tục quán triệt sâu sắc trong các cấp, các ngành và địa phương về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội và GNBV, làm cho mọi người, mọi cấp, mọi ngành nhận thức đầy đủ về công tác này. Từ đó, tăng cường vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, UBMTTQ, các đoàn thể, nhân dân và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các hoạt động về đảm bảo an sinh xã hội gắn với GNBV; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về an sinh xã hội đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và GNBV.
   Qua đó, nghiên cứu, thực hiện có hiệu quả các mô hình, DA sinh kế phù hợp với tình hình địa phương; đầu tư cơ sở hạ tầng với việc ưu tiên phát triển các khu vực sản xuất, thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện giúp người nghèo mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập để hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường để tập trung giải quyết việc làm cho người nghèo; đào tạo nghề cho người nghèo có nhu cầu học nghề, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng thực hành; tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên nhất là sinh viên nghèo, sinh viên thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Thái Hùng (Văn phòng HĐND – UBND thành phố Huế)